Vietnamese English

Khủng hoảng Thực phẩm Bổ sung được làm từ Benikoji gây Tổn thương Thận tại Nhật Bản

Benikoji được sử dụng trong thực phẩm bổ sung Benikoji coleste-help của Công ty Kobayashi Pharmaceutical Co. (Ảnh: Công ty Kobayashi Pharmaceutical Co.)

Tính đến ngày 29/3/2024, tại Nhật Bản đã có 5 ca tử vong và ít nhất 114 người phải nhập viện được xác nhận có liên quan đến việc sử dụng thực phẩm bổ sung được làm từ Benikoji của Công ty Kobayashi Pharmaceutical Co. có trụ sở tại Osaka. Các trường hợp này đều có liên quan đến tổn thương thận. Những thực phẩm bổ sung này gồm có Benikoji coleste-help và các sản phẩm khác, được quảng cáo là có tác dụng giảm mức cholesterol cho người sử dụng. Trong đó, Benikoji coleste-help được ra mắt vào năm 2021. Đây là thực phẩm bổ sung đầu tiên được dán nhãn thành phần có nguồn gốc từ Benikoji. Từ ngày 22/3/2024, Công ty Kobayashi Pharmaceutical Co. đã thu hồi tất cả các thực phẩm bổ sung có chứa Benikoji do có những phản hồi về ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của các sản phẩm này từ người tiêu dùng. Các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm trên toàn quốc cũng đang rút các sản phẩm có thành phần này ra khỏi kệ sau khi có báo cáo về các vấn đề sức khỏe. Ngày 27/3/2024 Bộ Y tế, Nhật Bản đã lệnh cho Công ty tiêu hủy ba loại thực phẩm bổ sung có chứa Benikoji, bao gồm Benikoji coleste-help, Naishi-help plus cholesterol và Natto-kinase sarasara-tsubu gold.

Bên cạnh đó, thành phần Benikoji do Công ty Kobayashi Pharmaceutical Co. sản xuất cũng được bán dưới dạng nguyên liệu cho các công ty khác. Cơ quan giải quyết các Vấn đề Người tiêu dùng, Nhật Bản cho biết đã có khoảng 170 công ty bao gồm cả các nhà sản xuất thực phẩm đã bị ảnh hưởng bới sự việc trên. Hàng loạt sản phẩm của các công ty này đã được thu hồi tự nguyện, bao gồm rượu sake, bánh kẹo, bánh mì và miso. Việc thu hồi sản phẩm cũng được thực hiện tại Đài Loan và Trung Quốc.

Benikoji là gì?

Benikoji là gạo lên men có sắc tố màu đỏ được hình thành trong quá trình lên men. Benikoji được sử dụng làm chất tạo màu và tạo hương vị cho các sản phẩm thực phẩm. Gần đây Benikoji còn được sử dụng trong sản xuất thực phẩm bổ sung vì trong thành phần Benikoji có chứa monacolin K được cho là làm giảm cholesterol LDL, còn được gọi là cholesterol xấu trong máu.

Nguyên nhân và hiện trạng  

Cho đến nay các cơ quan chức năng của Nhật Bản vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân gốc rễ tại sao sản phẩm bổ sung từ Benikoji lại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến thận.

Những độc tố nấm mốc có có liên quan đến các vấn đề về thận đang được kiểm tra xem xét. Đầu tiên là Citrinin, có thể được tạo ra bởi nấm mốc Benikoji. Một loại khác là Ochratoxin A, được tạo ra bởi một loại nấm mốc khác. Tuy nhiên, Kobayashi Pharmaceutical Co. cho biết họ đã sử dụng chủng không sản sinh ra Citrinin và hóa chất này không được phát hiện trong quá trình phân tích tất cả các lô nguyên liệu được tiến hành vào tháng 2 năm nay.

Gần đây, ngày 29/3/2024,  Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận rằng các lô thực phẩm bổ sung làm từ Benikoji bị nhiễm axit Puberulic có độc tính cao. Kobayashi Pharmaceutical Co. xác nhận chỉ có những lô hàng cụ thể mới chứa chất này. Theo Bộ Y tế, axit Puberulic là một hợp chất tự nhiên được sản sinh từ nấm mốc xanh. Hiện vẫn chưa rõ thực phẩm bổ sung bị ô nhiễm như thế nào và khi nào. Kobayashi Pharmaceutical Co. cho biết họ không biết làm thế nào mà axit Puberulic lại có thể bị nhiễm vào thành phần Benikoji. Theo Naoaki Ono, phó giáo sư tin sinh học tại Viện Khoa học và Công nghệ Nara, đã tiến hành phân tích DNA trên nấm mốc Benikoji trong một dự án nghiên cứu chung với Kobayashi Pharmaceutical Co. kết luận rằng khả năng nấm mốc Benikoji tạo ra axit Puberulic là rất thấp. Ông cho rằng một loại nấm mốc hoặc vi sinh vật khác có thể đã tham gia vào quá trình sản xuất Benikoji.

Bên cạnh đó, tác dụng của axit Puberulic đối với thận hiện chưa được biết rõ. Vì vẫn chưa rõ liệu axit Puberulic có phải là thủ phạm hay không nên Bộ Y tế Nhật Bản cho biết họ sẽ tiến hành thí nghiệm trên động vật để đánh giá độc tính của chất này. Các cơ quan chức năng tại Nhật Bản lưu ý rằng các yếu tố khác có thể đã bị nhiễm vào thành phần, gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Ths. Khuất Thị Thủy – Viện Công nghiệp thực phẩm

Tổng hợp từ THE ASAHI SHIMBUN

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.asahi.com/ajw/articles/15209314
  2. https://www.asahi.com/ajw/articles/15210239
  3. https://www.asahi.com/ajw/articles/15211508
  4. https://www.asahi.com/ajw/articles/15211348
  5. https://www.asahi.com/ajw/articles/15212616
  6. https://www.asahi.com/ajw/articles/15212489
  7. https://www.asahi.com/ajw/articles/15214275
  8. https://www.asahi.com/ajw/articles/15215168
  9. https://www.asahi.com/ajw/articles/15215664
  10. https://www.asahi.com/ajw/articles/15217688
  11. https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/backstories/3180/
Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print