Viện Công nghiệp thực phẩm được thành lập theo Quyết định số 112/CP ngày 21 tháng 7 năm 1967 của Thủ tướng Chính phủ (tiền thân từ Viện Công nghiệp nhẹ và thực phẩm). Trụ sở chính của Viện tại 301 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Chi nhánh phía Nam là Phân Viện Công nghiệp thực phẩm, đặt tại số 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Công nghiệp thực phẩm lần lượt trực thuộc Bộ Công nghiệp Nhẹ (1967-1969), Bộ Lương thực thực phẩm (1969-1980), Bộ Công nghiệp thực phẩm (1980-1987), Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (1987-1991), Bộ Công nghiệp Nhẹ (1992-1995), Bộ Công nghiệp (1995-2007), Bộ Công Thương từ 2008 đến nay. Lịch sử phát triển của Viện có thể tóm tắt theo các giai đoạn:
Giai đoạn 1967 – 1975:
Tổ chức của Viện khi mới thành lập bao gồm các phòng: Phòng Vi sinh, Phòng Đường bột, Phòng Đạm, Phòng Dầu-Tinh dầu, Phòng Lương thực, Phòng Hóa nghiệm, Phòng Nghiệp vụ, Tổ Thông tin, Xưởng thực nghiệm. Nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu bảo quản, chế biến lương thực thực phẩm, sử dụng hoa màu thay gạo tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Năm 1968, Viện được bổ sung nhiệm vụ thiết kế công nghệ và thiết bị từ Phòng Thiết kế – Viện Thiết kế chuyển sang. Năm 1971, Viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu Đồ hộp thực phẩm; năm 1972, thành lập Trung tâm Nghiên cứu Thuốc lá. Hai Trung tâm này sau đó đã được tách ra, trở thành các trung tâm nghiên cứu trực thuộc các Liên hiệp xí nghiệp; hiện nay, là các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc các Tổng công ty Nhà nước.
Trong những năm đầu mới thành lập, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và Lãnh đạo Viện, cán bộ, công nhân viên đã hăng say cống hiến để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu phục vụ sản xuất và trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc. Những kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này đã đóng góp thiết thực cho sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân như: nghiên cứu và tổ chức sản xuất nước chấm lên men, tương, chao, đậu phụ, sản xuất mỳ chính theo phương pháp lên men, sản xuất các loại nước uống lên men, rượu vang, mứt quả, … từ các loại quả trong nước.
Thứ trưởng kiêm Quyền Viện trưởng Đặng Giá cùng các cán bộ đi khảo sát và phổ biến đề tài ở các tỉnh biên giới năm 1971 |
Ứng dụng kết quả nghiên cứu tinh dầu hương liệu tại nhà máy thực phẩm Hà Nội năm 1970 |
Tập tự vệ sẵn sàng chiến đấu | Cán bộ Viện chuyển thiết bị đến khu sơ tán |
Giai đoạn 1976 – 1986:
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước cùng chung tay xây dựng đất nước trong hòa bình. Phân viện Công nghiệp thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Viện Công nghiệp thực phẩm đã được thành lập theo Quyết định số 500/CNTP/TCQL, ngày 17 tháng 5 năm 1982, của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm. Đây là giai đoạn khó khăn sau chiến tranh, những năm tháng gian khổ do bị cấm vận, cơ chế bao cấp đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động và đời sống cán bộ của Viện. Kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, cơ sở vật chất quá nghèo nàn, ít được đầu tư nâng cấp, mức sống của cán bộ, công nhân viên thấp hơn giai đoạn trước chiến tranh. Tuy vậy, dù ở vị trí nào, làm việc tại miền Bắc hay điều động vào chi nhánh miền Nam, các cán bộ của Viện bằng tất cả nhiệt huyết, lòng say mê với khoa học đã phát huy được truyền thống của Viện, đóng góp nhiều kết quả cho sự phát triển ngành Công nghiệp thực phẩm. Các công nghệ mới, tiên tiến đã được nghiên cứu và triển khai thành công trong thực tiễn như sản xuất và ứng dụng enzim vi sinh vật trong công nghiệp rượu, bia, đường nha, dệt, sinh tổng hợp lizin và ứng dụng trong chăn nuôi, sản xuất axít xitric và mỳ chính bằng phương pháp lên men … Ngoài nhiệm vụ chính là nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cán bộ, công nhân viên còn tích cực tham gia sản xuất phụ để góp phần cải thiện đời sống trong khi tiền lương của nhà nước còn rất hạn chế. Các sản phẩm như rượu mầu, nước chấm lên men, đậu phụ, tương…do Viện sản xuất đã được thị trường chấp nhận. Việc đẩy mạnh sản xuất tại Viện không chỉ nâng cao đời sống cán bộ mà còn góp phần giảm thiểu khó khăn do khan hiếm hàng tiêu dùng của đất nước trong giai đoạn này. Tranh thủ sự giúp đỡ của Nhà nước và UBND thành phố Hà Nội, một số cán bộ được cấp nhà ở tại khu tập thể cạnh trụ sở Viện, khu Kim Giang và khu Thanh Xuân Bắc đã góp phần giảm bớt khó khăn, giúp cán bộ yên tâm công tác. Nhìn lại những năm tháng này để thấy được sự cố gắng của Lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên, nhiều người đã lăn lộn trong chiến tranh, đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước, nay lại tận tụy phấn đấu vì sự tồn tại và phát triển của Viện và Phân Viện. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, Lãnh đạo Viện rất chú trọng tới hợp tác quốc tế. Thực hiện Dự án quốc tế do UNDP tài trợ, nhiều cán bộ của Viện đã được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ trưởng thành, đã được điều động giữ những vị trí chủ chốt tại các bộ, ngành, các tổng công ty và cơ sở sản xuất kinh doanh. Kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần phát triển sản xuất ngành Công nghiệp thực phẩm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.
Biểu diễn văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng | Lễ trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ |
Hội nghị Cán bộ, Công nhân viên chức | Xưởng thực nghiệm tại Phân Viện thành phố Hồ Chí Minh |
Giai đoạn 1987 – 2006:
Từ năm 1986, đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, Viện Công nghiệp thực phẩm lại một lần nữa khẳng định mình và ngày càng phát triển.
Những năm 1989-1990, Viện gặp rất nhiều khó khăn, biên chế bị cắt tới 70 người, cán bộ thiếu việc làm và chậm lương, kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp. Lãnh đạo Viện xác định các nhiệm vụ nghiên cứu phải có tính ứng dụng cao, các sản phẩm nghiên cứu phải được chuyển thành hàng hóa, phải đưa ra sản xuất. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, dự án đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp, mang lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên, như: sản xuất bia theo công nghệ mới, ứng dụng enzim trong sản xuất bia, rượu, các loại đường, nha như glucose, fructose, maltooligosacarit, công nghệ chế biến quả, tinh bột, đậu tương…
Hoạt động hợp tác quốc tế của Viện được đẩy mạnh và duy trì tốt. Những năm 1987- 1991, Viện đã triển khai thành công dự án DP/VIE/86/013. Từ năm 2002 đến 2007, dự án hợp tác quốc tế do JICA tài trợ đã được thực hiện. Đây là hai dự án hợp tác quốc tế lớn trong lịch sử phát triển của Viện. Nhiều lượt cán bộ được đi đào tạo chuyên môn và quản lý tại nước ngoài, nhiều chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và làm việc tại Viện, cơ sở vật chất của Viện được đầu tư đáng kể. Hai dự án được triển khai thành công đã góp phần nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao trình độ nghiên cứu của Viện, làm cho Viện nhanh chóng hòa nhập với sự thay đổi của xã hội cũng như tiếp cận được các hướng nghiên cứu mới trên thế giới.
Về đào tạo, từ năm 1998, Viện đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học (Tiến sĩ) với các chuyên ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ sinh học thực phẩm, Chế biến thực phẩm và đồ uống.
Về tổ chức, các đơn vị trong Viện đã dần chuyển đổi cơ cấu tổ chức theo hướng tự chủ. Có 03 trung tâm nghiên cứu hạch toán phụ thuộc đã được thành lập: Trung tâm Vi sinh vật công nghiệp, Trung tâm Hóa sinh công nghiệp và Môi trường; Trung tâm Dầu, hương liệu và phụ gia thực phẩm,. Có 02 trung tâm nghiên cứu và dịch vụ KHCN hoạt động độc lập, đó là: Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm Quốc gia và Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao công nghệ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Viện |
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Đình Tứ đến thăm Viện |
Khóa đào tạo về Vi sinh vật Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương |
Lễ ký kết văn kiện Dự án JICA |
Giai đoạn 2007 đến nay
Đây là giai đoạn Viện thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lương và hoạt động bộ máy liên tục bị cắt giảm nhưng đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của Viện trên tất cả các mặt hoạt động. Về hoạt động khoa học và công nghệ, Viện thực hiện nhiều đề tài, dự án các cấp, trong đó có nhiều đề tài, dự án cấp nhà nước. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy và Lãnh đạo Viện về khoa học và công nghệ đã được thực hiện có hiệu quả, đó là: Để kết quả nghiên cứu vào với thực tiễn sản xuất nhanh nhất thì Viện phải song hành cùng với doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã được đánh giá cao, nhiều đề tài, dự án đã chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và tổ chức sản xuất tại Viện. Hoạt động khoa học và công nghệ của Viện đã được các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội …đánh giá là một trong các cơ sở nghiên cứu mạnh trong cả nước.
Về hợp tác quốc tế, Lãnh đạo Viện luôn coi đẩy mạnh hợp tác quốc tế là thực hiện chủ trương đi tắt đón đầu của Đảng và Nhà nước trong nghiên cứu khoa học, vì vậy, từ năm 2007 đến nay, nhiều dự án hợp tác quốc tế đã liên tục được triển khai. Sau khi kết thúc dự án JICA, Viện đã thực hiện dự án do Chính phủ Pháp, dự án do Chính phủ Thụy Điển và Dự án UNIDO tài trợ về sản xuất cồn sinh học. Trong 10 năm qua, Viện đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghị định thư với các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga….. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ của cán bộ nghiên cứu và tăng cường trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm.
Về tăng cường cơ sở vật chất, được sự giúp đỡ của các Bộ, Ngành, Viện đã thực hiện các dự án đầu tư, tăng cường cơ sở thực nghiệm cho Phân viện Công nghiệp thực phẩm tại Bình Dương. Các dự án đầu tư nâng cấp các nhà nghiên cứu của Viện tại 301 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, dự án đầu tư Xưởng thực nghiệm công nghệ sinh học và dự án Đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ vi sinh. Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của Viện, thiết bị khá đầy đủ, nhà xưởng đẹp đẽ, khang trang hơn. Chúng ta có đủ tự tin để khẳng định rằng, chưa bao giờ tiềm lực nghiên cứu của Viện tốt như hiện nay.
Về đào tạo và đào tạo lại. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, trong những năm qua, nhiều nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, công tác đào tạo tiến sĩ của Viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Công tác đào tạo lại đã được Lãnh đạo Viện quan tâm, nhiều cán bộ ở cả khối nghiên cứu và quản lý đã được tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nghiệp vụ quản lý. Hiện nay, Viện đang có 05 Phó giáo sư Tiến sỹ, 14 Tiến sỹ; 65 Thạc sỹ, số còn lại là kỹ sư và cử nhân.
Về chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và tổ chức sản xuất. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Lãnh đạo Viện xác định hoạt động này là một trong những đóng góp quan trọng của Viện đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là một nguồn thu chính của Viện, đảm bảo cho Viện hoạt động ổn định và phát triển trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; vì vậy, trong 10 năm qua, với sự cố gắng hết mình của cán bộ, công nhân viên, rất nhiều công nghệ đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp như: sản xuất rượu công nghệ mới, sản xuất tinh bột biến tính, xử lý nước thải….Về dịch vụ khoa học, với việc phân tích, giám định nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, chăn nuôi, đã mang về cho Viện một nguồn thu đáng kể. Về tổ chức sản xuất, hiện nay, Viện đang có 28 sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng có uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng, doanh thu liên tục tăng.
Các mặt hoạt động khác cũng đã có bước chuyển biến vượt bậc. Từ 2007 đến nay, hoạt động của Công đoàn và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thực sự ghi dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử phát triển của Viện. Thông qua hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên, sự gắn bó, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị, cá nhân đã được tăng cường, đoàn kết nội bộ đã được củng cố. Việc nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý nhân sự và tài chính, đã được các Đoàn thanh tra, Kiểm toán ghi nhận và đánh giá cao. Ghi nhận những thành tích mà Viện đã đạt được trong 10 năm qua, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Viện, Công đoàn Viện đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 02 cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba. Thủ tướng Chính phủ và các tổ chức chính trị – xã hội đã tặng Cờ thưởng luân lưu, bằng khen cho Viện và các cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đến thăm và làm việc tại Viện |
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đến thăm Xưởng Thực nghiệm CNSH |
Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh thăm gian hàng của Viện tại Hội chợ Techmart Hà Nội 2016 | Xưởng thực nghiệm–Phân Viện tại TP HCM |