Vietnamese English

Hội thảo “Lấy ý kiến chuyên gia về việc thành lập Trung tâm đào tạo sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn”

Trong khuôn khổ Dự án “Vượt qua rào cản về chính sách, thương mại và hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ cải tiến và chuyển giao công nghệ khu vực Nam-Nam: Sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn quy mô xưởng thực nghiệm” do Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNIDO)  và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ngày 10 tháng 6 năm 2016 Viện Công nghiệp thực phẩm đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến chuyên gia về việc thành lập Trung tâm đào tạo sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn” tại Hà Nội.

PGS.TS. Vũ Nguyên Thành, GĐ TT Vi sinh vật CN giới thiệu về Dự án

Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương, đại diện Vụ chế chế biến Nông lâm Thủy sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đại diện Văn phòng SPS – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện trường Đại học Bách Khoa, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng như các nhà khoa học và các doanh nghiệp…

Dự án có sự tham gia của Đại học tổng hợp King Mongkut, Thái Lan, Bộ Công Thương và Viện Công nghiệp phẩm với mã số 100264/GEF ID4037. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Thái Lan trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn cho các nước xung quanh khu vực. Ứng dụng các công nghệ đổi mới để sản xuất ethanol sinh học từ sắn với hiệu suất cao hơn làm giảm năng lượng sử dụng và thời gian lên men. Đồng thời, dự án sẽ thành lập các trung tâm tại khu vực sông Mê kong tiếp nhận công nghệ này và giúp kết nối, xây dựng các chính sách đồng bộ với sản xuất, xóa bỏ rào cản về thương mại và chuyển giao công nghệ khu vực.

Chuyên gia đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đóng góp ý kiến cho Dự án

Viện Công nghiệp thực phẩm sẽ thành lập Trung tâm đào tạo sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn. Viện sẽ tập hợp đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực trồng sắn, nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu từ sắn, đồng thời cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo tại Thái Lan và tiếp nhận tài liệu công nghệ và hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện trong nước, xây dựng xưởng thực nghiệm sản xuất cồn khan công suất 50 lit E100/ngày đặt tại Viện, xây dựng trang web về sắn và cồn nhiên liệu từ sắn, tổ chức đào tạo học viên về các lĩnh vực: canh tác sắn, công nghệ lên men nồng độ cơ chất cao, các phân tích cơ bản trong phòng thí nghiệm, và phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận công nghệ mới. Tại hội thảo này, các chuyên gia, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến về hoạt động của Trung tâm đào tạo sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn trong thời gian tới.

 

                                        – Bài: Khuất Thị Thủy –

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print