Vietnamese English

Hội thảo quốc tế: “Ứng dụng Công nghệ Vi sinh trong Nâng cao Chất lượng Cà phê và Cacao Việt Nam”

Ngày 15/9/2023, Viện Công nghiệp thực phẩm phối hợp Công ty Hoàng gia và Tập đoàn Lallemand Inc. Cộng hòa Pháp, tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng Công nghệ Vi sinh trong Nâng cao Chất lượng Cà phê và Ca cao Việt Nam”. Tham dự hội thảo có các doanh nghiệp sản xuất cà phê, ca cao trong cả nước như Sơn La, Đắc Lắk, Lâm Đồng… Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Viện Công nghiệp thực phẩm và kết nối trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất cà phê, ca cao trên toàn quốc. Các đơn vị đồng hành với hội thảo còn có Bean There Coffee, LK Daily, Liên Minh HTX Việt Nam và Prime Coffea.

Diễn giả: Ths. Camille Duez, Lallemand Inc.

PGS. TS. Vũ Nguyên Thành- Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm có phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn cà phê đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô nên giá thành của sản phẩm không cao. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.293 USD/tấn. Do đó, việc giới thiệu các công nghệ mới trong chế biến cà phê Việt Nam là rất quan trọng để nâng cao giá trị cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới. Viện Công nghiệp thực phẩm đã xây dựng Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm tiếp cận các công nghệ mới nhằm cải thiện công nghệ tạo ra sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

PGS. TS. Vũ Nguyên Thành- Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm trao đổi ý kiến với các doanh nghiệp 

Thạc sỹ Camille Due, Trưởng bộ phận hỗ trợ kỹ thuật cà phê, cacao, tập đoàn Lallemand đã giới thiệu về các kỹ thuật lên men vi sinh để nâng cao chất lượng cà phê và ca cao. Việc bổ sung các loại nấm men và vi khuẩn được Lallemand tuyển chọn đem lại cho sản phẩm cà phê hương vị thơm đặc trưng cũng như hạn chế được việc nhiễm tạp trong quá trình lên men. Hiện nay, Tập đoàn Lallemand đã phát triển 5 chủng nấm men sử dụng trong lên men cà phê và 1 sản phẩm LALCAFE Bactifresh từ vi khuẩn chuyên dùng cho cà phê Robusta đem đến vị hoa quả và axit hóa nhẹ cho sản phẩm sau khi lên men. Trong khi đó, việc lên men ca cao với 2 chế phẩm nấm men là LalCocoaForte và LaCocoaMatunda đem lại những lợi ích rõ rệt như kiểm soát tốt hơn chất lượng tổng thể của hạt ca cao, tránh nấm mốc và hư hại do hệ vi sinh vật bản địa, nâng cao hiệu suất của quá trình lên men, có thể sản xuất được các sản phẩm sô cô la có vị khác nhau như hương hoa, hương trái cây tùy vào loại men sử dụng.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp sản xuất cà phê và ca cao Việt Nam đã thảo luận với chuyên gia Camille của Lallemand về cách áp dụng các chế phẩm này trong sản xuất cà phê và ca cao tại địa phương, những khó khăn gặp phải và trao đổi về các giải pháp có thể áp dụng. Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả và thành công các chế phẩm của Tập đoàn Lallemande trên các nguyên liệu cà phê và ca cao Việt Nam cần thiết phải có sự hợp tác nghiên cứu thử nghiệm giữa Viện Công nghiệp thực phẩm và các doanh nghiệp nhằm giải quyết các khó khăn về công nghệ khi áp dụng những nghiên cứu của nước ngoài vào thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia Hội thảo tham quan các phòng thí nghiệm tại Trung tâm Vi sinh vật Công nghiệp và Trung tâm Phân tích và Giám định Thực phẩm Quốc gia thuộc Viện Công nghiệp thực phẩm. Buổi chiều, các đại biểu tham gia đánh giá cảm quan các sản phẩm cà phê có sử dụng chế phẩm vi sinh của Tập đoàn Lallemand.

Đánh giá cảm quan sản phẩm cà phê sử dụng chế phẩm nấm men, vi khuẩn Lalemand Inc.


Các chế phẩm nấm men, vi khuẩn của Lallemad Inc. ứng dụng trong lên men cà phê và cacao

 

–  Ths. Khuất Thị Thủy

Viện Công nghiệp thực phẩm –

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print