Phó vụ trưởng Vụ KH & CN Trần Việt Hòa phát biểu tại buổi làm việc
Chiều 7/10, Đoàn Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương do ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KH & CN đã có buổi làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm để trao đổi về định hướng phát triển của Viện cũng như tăng cường phối hợp hoạt động giữa Viện với cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Chia sẻ về hoạt động của đơn vị. PGS. TS. Vũ Nguyên Thành cho biết, Viện đã phát triển và chuyển giao một số công nghệ trong lĩnh vực chế biến và đã đăng ký thương mại trên 20 sản phẩm. Một trong những thế mạnh của Viện CNTP là nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh. Viện đang duy trì trên 1500 chủng giống bao gồm nấm mốc, nấm men, vi khuẩn và plasmid bằng các kỹ thuật hiện đại như đông khô, lạnh sâu, bảo quản trong nitơ lỏng. Bên cạnh đó, Viện đã phát triển công nghệ sản xuất giống khởi động phục vụ sản xuất sữa chua, phoma, tương, rượu, cồn, chế phẩm probiotics… Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, Viện có thế mạnh trong nghiên cứu sản xuất enzyme tái tổ hợp, sản xuất nano-selen. Viện bước đầu nhận được một số đơn đặt hàng nghiên cứu từ 2 công ty của Pháp và Nhật Bản.
Trong thời gian tới, Viện xác định sẽ phát triển những công nghệ có tính cạnh tranh cao, hướng tới công nghiệp chế biến những nông sản chủ lực của Việt Nam. Để làm được điều này, Viện đang tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng 03 định hướng nghiên cứu dài hạn và đề xuất với Bộ Công Thương, bao gồm:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, để tiến tới xây dựng cách quy chuẩn về mức độ chất lượng (thay vì an toàn/không an toàn như hiện nay), đánh giá tác động kinh tế, môi trường, xu thế công nghệ nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách thúc đẩy áp dụng công nghệ tiên tiến.
- Làm chủ và phát triển công nghệ in 3D trong sản xuất thực phẩm. Công nghệ in 3D trước mắt sẽ ứng dụng trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất thức ăn chay và tiến tới phát triển các thực phẩm thay thế dựa trên nền tảng công nghệ sinh học.
- Ứng dụng công nghệ liposome, phytosome nhằm nâng cao chất lượng và tính hướng đích của các hợp chất thiên nhiên phục vụ công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.
Tại buổi làm việc, đề xuất thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ của Viện được nhiều đại biểu quan tâm và ủng hộ. Trung tâm là nơi các nhà cung cấp công nghệ, chuyên gia trong và ngoài nước có thể tiếp cận nhu cầu của doanh nghiệp. Trung tâm sẽ bao gồm phần mềm là cơ sở dữ liệu công nghệ, dữ liệu chuyên gia, các hoạt động kết nối, quảng bá. Phần cứng là nhà xưởng, thiết bị. Hoạt động của trung tâm nhằm đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới trong chế biến nông sản và thực phẩm. Ý tưởng về một trung tâm như vậy nhận được đồng thuận và sự sẵn sàng tham gia đóng góp từ phía doanh nghiệp. Trung tâm sẽ được thành lập theo phương thức đầu tư công-tư.
Ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh: Với hệ thống cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư cùng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Viện Công nghiệp thực phẩm là đơn vị nghiên cứu đi đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm không chỉ của Bộ Công Thương mà còn là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực chế biến thực phẩm của cả nước. Trong thời gian tới, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường phối hợp với Viện trong công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động hỗ trợ phục vụ quản lý Nhà nước. Vụ trưởng Trần Việt Hòa mong muốn việc phối hợp giữa Vụ với Viện trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể, Viện sẽ tham gia phối hợp với Vụ trong công tác quản lý Nhà nước về An toàn thực phẩm, thông qua việc thường xuyên rà soát, cập nhật cho Vụ về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên thế giới và trong khu vực làm cơ sở phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng ngưỡng an toàn áp dụng trong quản lý Nhà nước; nghiên cứu vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu hành thực phẩm … để có hướng đề xuất các nhiệm vụ phù hợp.
– Theo khcncongthuong.vn –