Ngày 25/12/2018, Hội nghị Đối tác OCOP tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất năm 2018 được tổ chức tại thành phố Hạ Long. Chương trình OCOP Quảng Ninh hay còn gọi là Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm được xây dựng và triển khai với 3 mục tiêu: (1) Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị, (2) Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, (3) Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Viện trưởng PGS. TS. Lê Đức Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn. Chương trình đã thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh, góp phần giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Viện trưởng Lê Đức Mạnh trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Quảng Ninh
Bên cạnh đó, cũng có khó khăn thách thức đang đặt ra. Đó là khó khăn trong việc kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh vào các siêu thị. Số lượng sản phẩm OCOP tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị còn rất ít do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu, mẫu mã bao bì chưa được quan tâm đúng mức, giá bán còn cao. Các địa điểm giới thiệu hàng hóa OCOP còn rất nghèo nàn, xa khu dân cư…
Viện trưởng Lê Đức Mạnh trao đổi với doanh nghiệp về sản phẩm của Viện
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng PGS. Lê Đức Mạnh nhấn mạnh bên cạnh những hiệu quả tích cực Chương trình đem lại, sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm chế biến thô, chưa đem lại giá trị gia tăng cao. Chương trình cần chú trọng hơn nữa vào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng. Viện trưởng cũng giới thiệu về Viện Công nghiệp thực phẩm là một Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học- công nghệ thực phẩm. Với 50 xây dựng và phát triển, Viện đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Viện đã chuyển giao công nghệ cho nhiều doanh nghiệp từ Bắc đến Nam. Đối với Quảng Ninh, Viện đã có những hợp tác hiệu quả từ những năm 90 của thế kỷ XX, trong đó nổi bật là sản xuất bia công nghệ mới chuyển giao cho Công ty Cổ phần Bia Hạ Long đem lại hiệu quả cao cho Công ty. Hiện tại, Viện rất thành công trong công nghệ chế biến cây lương thực, cây ăn quả và công nghệ tách chiết các hợp chất sinh học từ thực vật như công nghệ chế biến tinh bột, tinh bột biến tính, công nghệ nước trái cây cô đặc, nước uống từ trái cây, công nghệ sản xuất rượu từ củ Ba kích, cao Ba kích, bột Ba kích, công nghệ sản xuất Trà lá sen, Tinh lá sen tươi, Tinh chất mầm đậu nành, Tinh chất dây thìa canh, rau má tan, công nghệ sản xuất dầu gấc và nước uống bổ dưỡng từ gấc bằng enzym, công nghệ sản xuất dầu tỏi, hương liệu thảo mộc cho thuốc lá, công nghệ sản xuất nước mắm truyền thống cải tiến … Viện cũng đưa ra thị trường 28 sản phẩm thực phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe được thị trường chấp nhận với doanh thu liên tục tăng. Viện sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Quảng Ninh để phát triển các sản phẩm này tại tỉnh góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Giới thiệu sản phẩm của Viện với khách thăm quan
– Bài: Khuất Thị Thủy –