Tập luyện để nâng cao sức khỏe (Ảnh: Ngọc Sơn)
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, bên cạnh các giải pháp của Chính phủ thực hiện như tiêm phòng vacxin cho người dân, những chiến sỹ áo trắng ngày đêm chiến đấu vì sự sống cho người bệnh…, các nhà khoa học đã và đang tìm cách ngăn chặn dịch bệnh theo nhiều cách khác nhau. Và dưới đây là kết quả nghiên cứu của GS. Emely de Vet, Đại học Wageningen, Hà Lan.
Tình trạng thừa cân, béo phì và virus corona là một sự kết hợp không thể tệ hơn. Chúng ta có thể đổ lỗi cho đại dịch không?
Bị thừa cân, đó không phải là một sự lựa chọn cá nhân mà là một vấn đề của xã hội. Trong khi có đến 80% sản phẩm có trên thị trường không theo tháp dinh dưỡng và ¾ là sản phẩm không có lợi cho sức khỏe. Có thể thấy là việc thay đổi lối sống là điều hết sức khó khăn với hầu hết người dân.
Với số lượng người mắc bệnh mãn tính lớn, chúng ta không thể nghĩ một cách đơn giản về ảnh hưởng của lối sống lên sức khỏe.
Những người dễ bị tổn thương trong đại dịch có phải do phong cách sống của họ?
Điều đó hoàn toàn đúng. Một lối sống không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Và chính những bệnh mãn tính này làm con người dễ bị tổn thương hơn. Ví dụ, những người thừa cân sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh như tiểu đường và tim mạch. Đó là những nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh nhân khi bị nhiễm corona virus. Nếu như cơ thể khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ làm việc tốt hơn và giúp cơ thể ít tổn thương hơn.
Do đó, đại dịch corona như một hồi chuông cảnh tỉnh tất cả mọi người ?
Đại dịch đã làm cho chúng ta nhận ra tình cấp thiết của việc thay đổi lối sống. Nó không chỉ là do viễn cảnh chúng ta có thể bị ốm mà còn do tình trạng quá tải của hệ thống y tế. Corona cũng hé lộ sự khác nhau về điều kiện kinh tế xã hội và nhóm người yếu thế cũng cần được quan tâm hỗ trợ.
Do đó, hãy ăn nhiều hoa quả hơn và dành ra 10 phút để tập thể dục mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp bạn bền sức hơn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Những giải pháp nào có thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay?
Nếu mỗi cá nhân chúng ta đều thay đổi sang lối sống lành mạnh hơn thì toàn thể xã hội sẽ tạo ra sức mạnh bền bỉ trước đại dịch corona. Đồng thời Chính phủ cũng cần có những biện pháp quan tâm, hỗ trợ nhóm người yếu thế hơn trong xã hội. Vì một dân số khỏe mạnh là sự chuẩn bị tốt cho cuộc chiến chống đại dịch.
(Ảnh: WHO)
Dưới đây là những khuyến cáo của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) về dinh dưỡng cho người trưởng thành trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19.
Dinh dưỡng hợp lý và uống đủ nước là yếu tố quan trọng nhất. Những người có chế độ ăn uống cân bằng thường khỏe mạnh hơn với hệ thống miễn dịch mạnh và ít có nguy cơ bị các bệnh mãn tính và truyền nhiễm. Bạn nên ăn đa dạng các thực phẩm tươi và không chế biến mỗi ngày để cung cấp đủ vitamin, chất khoáng, chất xơ, protein, chất chống oxi hóa cho cơ thể. Uống đủ nước. Tránh đường, chất béo và muối để giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và một số bệnh ung thư.
- Ăn thực phẩm tươi và không qua chế biến mỗi ngày
Ăn hoa quả, rau xanh, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt (như ngô, kê, yến mạch, lúa mì, gạo lứt), những loại củ chứa tinh bột (như khoai tây, củ từ, khoai sọ )và nguồn thực phẩm từ động vật (như thịt, cá, trứng, sữa).
Chế độ ăn hàng ngày: 2 chén hoa quả (chia 4 lần), 2,5 chén rau (chia 5 lần), 180g hạt và 160g thịt (có thể ăn thịt đỏ 1-2 lần và thịt lợn 2-3 lần trong tuần). Đối với bữa ăn nhẹ, nên chọn rau và hoa quả tươi hơn là thực phẩm có chứa hàm lượng đường, chất béo và muối cao. Không nên nấu quá chín/quá lâu rau, quả vì nó có thể dẫn đến mất vitamin. Khi chọn hoa quả khô hay đóng hộp, nên chọn loại không bổ sung thêm đường và muối.
- Uống đủ nước mỗi ngày
Nước rất cần cho sự sống vì nước vận chuyển các chất dinh dưỡng và các chất khác trong máu, điều hòa nhiệt độ của cơ thể, giải phóng chất thải, bôi trơn và làm đệm cho các khớp nối. Nên uống từ 8-10 cốc nước mỗi ngày. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên có thể lựa chọn các loại đồ uống khác, hoặc rau, hoa quả có chứa nước, ví dụ như nước chanh (được pha loãng và không cho thêm đường), trà, cà phê. Nhưng không nên tiêu thụ quá nhiều caffeine, và tránh các loại nước quả có bổ sung thêm đường, nước ngọt, hoa quả cô đặc và đông lạnh do các loại đồ uống này có chứa đường.
- Ăn một lượng vừa phải chất béo và dầu
Nên ăn các chất béo chưa bão hòa trong cá, quả bơ, các loại hạt, dầu thực vật (dầu oliu, đậu nành, dầu hạt cải, dầu hạt hướng dương và dầu ngô). Không nên ăn chất béo bão hòa trong thịt, bơ, dầu dừa, kem, pho mát, bơ từ sữa trâu và mỡ lợn.
Nên lựa chọn các loại thịt trắng như thịt gà, cá (những loại thịt có ít mỡ) thay cho thịt đỏ. Tránh sử dụng các loại thịt chế biến vì nó có chứa nhiều chất béo và muối. Nếu có thể nên chọn các loại sữa và sản phẩm sữa có ít béo hay giảm béo.
Tránh sử dụng các chất béo dạng trans được sản xuất công nghiệp. Chúng thường được tìm thấy trong các sản phẩm chế biến, thức ăn nhanh, snack, thực phẩm khô, pizza đông lạnh, bánh, bánh quy, các loại bơ thực vật.
- Ăn ít muối và đường
Khi chuẩn bị và chế biến thực phẩm nên hạn chế lượng muối và đồ gia vị (nước mắm, nước tương).
Hạn chế lượng muối ăn hàng ngày xuống dưới 5g (khoảng 1 thìa trà) và nên sử dụng muối iot. Tránh sử dụng các thực phẩm, snack có hàm lượng đường và muối cao.
Hạn chế việc sử dụng nước ngọt và soda vì chúng có nhiều đường (như nước quả, nước quả và siro cô đặc, các loại sữa bổ sung hương vị và đồ uống từ sữa chua).
Hãy lựa chọn hoa quả tươi thay cho bánh quy, bánh ngọt và socola.
- Tránh ăn ở bên ngoài
Hãy ăn ở nhà để hạn chế tiếp xúc với người khác để làm giảm nguy cơ nhiễm covid- 19.
- Hãy tìm kiếm sự tư vấn và giúp đỡ khi cần thiết.
– K. T. Thủy theo Wageningen University and Research và World Health Organzization –