Khoảng 70% đất nông nghiệp trên thế giới đã được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp trong sản xuất thịt. Với sự tăng lên của dân số thế giới và nhu cầu tăng lên của người tiêu dùng, liệu thế giới có thể sản xuất đủ protein động vật trong tương lai? Côn trùng đang trở thành nguồn protein thay thế đầy tiềm năng.
Việc nuôi côn trùng chỉ tốn 1/10 diện tích đất nếu so với việc nuôi bò. Côn trùng có thể trở thành giải pháp không chỉ đối với việc sản xuất thịt cho tiêu dùng của con người mà còn có thể thay thế các sản phẩm thức ăn cho gia súc từ cá. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Wageningen, Vương quốc Hà Lan đang tìm kiếm các loài côn trùng với các đặc điểm có thể chăn nuôi một cách có hiệu quả, ở quy mô lớn, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh và không có bệnh. Bệnh từ côn trùng là một vấn đề cần quan tâm, tuy nhiên việc truyền nhiễm bệnh từ côn trùng sang người được đánh giá là ít hơn so với từ gia súc hay gà.
Một bữa ăn được chuẩn bị từ dế
Các nghiên cứu tại Đại học Wageningen cũng cho thấy việc nuôi côn trùng như sâu bột (meanworn) như là một nguồn protein không chỉ sử dụng ít đất đai hơn mà còn tạo ra ít khí nhà kính hơn so với nguồn protein động vật truyền thống. Về khía cạnh tiêu hao năng lượng, việc sản xuất côn trùng tiêu hao ít năng lượng hơn so với nuôi bò nhưng nhiều hơn so với nuôi gà hoặc sản xuất sữa. Có thể kết luận rằng, việc nuôi côn trùng như là một nguồn protein động vật bền vững hơn rất nhiều nếu so với sản xuất thịt truyền thống.
Rất cần thiết có các chương trình truyền thông để giới thiệu cho cộng đồng khái niệm côn trùng như nguồn cung cấp protein, cũng như chitin- một hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Một số công ty Hà Lan đã sản xuất côn trùng cho nhu cầu tiêu thụ của con người.
– K. T. Thủy theo Wageningen University & Reseach, Vương quốc Hà Lan-