Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi Việt Nam hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do như EVFTA… Một số sản phẩm có tiếng của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất nhãn hiệu ở thị trường quốc tế như gạo ST25 hay nước mắm Phú Quốc… Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức đặc thù (chỉ dẫn địa lí, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận…) đối với địa danh gắn với tên gọi sản phẩm từ đó triển khai các chương trình, chiến lược quảng bá nhằm khai thác, phát triển danh tiếng của sản phẩm là xu hướng đã và đang được nhiều nước trên thế giới ưu tiên áp dụng và Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước này.
Gạo ST25 của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu
tại thị trường Úc, Mỹ (theo: dangconsan.vn)
- Tạo dựng “thương hiệu” cho đặc sản địa phương trên nền tảng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
Pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới có quy định cụ thể khái niệm các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có thể được bảo hộ cho đặc sản địa phương gắn với địa danh, bao gồm:
– Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
– Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
– Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Kinh nghiệm quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài của các nước trên thế giới.
Các nước Châu Âu đặc biệt quan tâm, chú trọng tới hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ủy ban Châu Âu thiết lập và vận hành chuyên mục đặc sản địa phương tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Châu Âu, trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến việc bảo hộ, kiểm soát chất lượng, quảng bá và phân phối thương mại các đặc sản của các vùng miền, quốc gia là thành viên Liên Minh Châu Âu. Đặc biệt, Ủy ban Châu Âu ban hành và thống nhất quản lý việc sử dụng biểu tượng chỉ dẫn nguồn gốc được bảo hộ như một chứng chỉ cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng.
Một số biểu tượng chỉ dẫn nguồn gốc được bảo hộ của Ủy ban Châu Âu (theo Bộ Khoa học và Công nghệ)
Một số quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu đã triển khai rất thành công các chiến lược quảng bá đặc sản địa phương ra thị trường thế giới, có thể kể đến một số quốc gia sau:
Tại Pháp, hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm được thực hiện đồng thời bởi 3 nhóm chủ thể: (i) Ủy ban liên ngành, (ii) Hiệp hội thương mại chuyên ngành và (iii) Cơ quan quản lý nhà nước. Các hoạt động liên quan đến quản lý, kiểm soát chất lượng và quảng bá đặc sản địa phương Cơ quan đầu mối là INAO (Institut National De L’origine Et De La Qualité) thực hiện…
(theo Bộ Khoa học và Công nghệ)
Tại Bồ Đào Nha, tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản là chủ thể đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai các hoạt động xây dựng, quản lý và quảng bá sản phẩm. Các tổ chức này hoạt động với tư cách là tổ chức kiểm soát nội bộ với điều kiện phải đăng ký hoạt động tại Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn và Nghề cá Bồ Đào Nha.
Thái Lan áp dụng chính sách ưu tiên xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương. Mục tiêu tối thiểu mỗi tỉnh có 1 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Tính đến tháng 12/2020, trong số các nước ASEAN, Thái Lan đang là quốc gia có số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhiều nhất (137 chỉ dẫn địa lý thuộc 76 tỉnh/thành phố). Thái Lan xây dựng biểu tượng Chỉ dẫn địa lý quốc gia để thống nhất sử dụng cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Tại Indonesia, các hoạt động quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài chủ yếu do Cơ quan Sở hữu trí tuệ Indonesia thực hiện. Indonesia cũng đã xây dựng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia để thống nhất sử dụng cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá sản phẩm.
- Tổ chức Mạng lưới quốc tế về chỉ dẫn địa lý (OriGIn)
Việc quảng bá đặc sản địa phương ra thị trường quốc tế còn có thể được thực hiện thông qua các tổ chức quốc tế. Tổ chức Mạng lưới quốc tế về chỉ dẫn địa lý (OriGIn) là một ví dụ điển hình. OriGIn là mạng lưới toàn cầu với sự tham gia của khoảng 500 tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh và các cơ quan, đơn vị chức năng của khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có đơn vị nào đăng ký tham gia và trở thành hội viên của mạng lưới này. Để nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài, Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu để tham gia sâu, rộng hơn vào các mạng lưới quốc tế như vậy.
- Nâng cao hiệu quả quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài – cần sự chung tay quyết liệt của liên kết “4 nhà”
Để nâng cao hiệu quả quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài, cần tăng cường hơn nữa cơ chế liên kết và sự chung tay của “4 nhà”: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà nông – nhà khoa học.
– Nhà nước: Cần tăng cường hơn nữa các thể chế, chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương; Triển khai các chiến dịch đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình quảng bá hình ảnh đặc sản địa phương ra nước ngoài; Xây dựng hệ thống quốc gia về kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế…
– Nhà nông: Cần xây dựng và thực hiện kế hoạch bài bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm, các quy định của hệ thống truy xuất nguồn gốc…
– Nhà khoa học: Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho việc khẳng định và duy trì “thương hiệu” sản phẩm bền vững trên thị trường.
– Doanh nghiệp: Cần xây dựng thiết chế liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ với nhau, hoạt động theo chuỗi giá trị có sự chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo ra sức mạnh tập thể, xây dựng được các thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh… Tăng cường hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường; thành lập các bộ phận chuyên trách về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại…
– K. T. Thủy, theo Bộ Khoa học & Công nghệ –