(Ảnh: european food safety authority)
Có nhiều loại đường khác nhau được sử dụng trong bữa ăn của chúng ta. Một số được bổ sung thêm vào thực phẩm, một số khác có sẵn tự nhiên trong thực phẩm như: hoa quả, rau, mật ong và sữa. Lượng đường tổng bao gồm: đường tự nhiên có sẵn và đường được bổ sung vào thực phẩm.
Hình 1. Danh mục đường sử dụng trong chế độ dinh dưỡng (ảnh: efsa)
Đường là một nguồn cung cấp năng lượng. Một vài loại đường (ví dụ như glucoza) cần thiết cho các hoạt động của các cơ quan như tim, não bộ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đường được cho là gây ra các vấn đề răng miệng. Thêm vào đó, lượng đường dư thừa được dự trữ trong cơ thể dưới dạng glycogen ở gan và cơ. Nếu lượng đường dự trữ này không được sử dụng nó được tích trữ theo thời gian và gây ra các vấn đề sức khỏe.
Lượng cao nhất được sử dụng hàng ngày (Tolerable Upper Intake Level/UL) là gì ?
UL là một giá trị tham chiếu về chế độ dinh dưỡng. Nó đưa ra mức tiêu thụ hàng ngày tối đa các chất dinh dưỡng dùng trong thời gian dài từ tất cả các nguồn (ví dụ như đường). Giá trị này không phải là mức khuyến cáo sử dụng mà là ngưỡng sử dụng được nghiên cứu một cách khoa học. Nếu sử dụng dưới ngưỡng này nguy cơ có ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người tiêu dùng là không đánh kể, nhưng nếu sử dụng vượt ngưỡng sẽ gây ra tác động không tốt đối với sức khỏe con người, bao gồm cả bệnh tật. Tuy nhiên, nếu như không đưa ra được giá trị UL thì yêu cầu đặt ra là xác định được mức sử dụng đường an toàn để không xảy ra bất cứ ảnh hưởng nghiêm trọng nào đối với sức khỏe.
Hình 2. Sự khác nhau giữa giá trị UL và phạm vi an toàn (safe range)
của lượng đường sử dụng (ảnh:efsa)
Hình 2 chỉ ra mối quan hệ điển hình giữa dinh dưỡng dư thừa và ảnh hưởng bất lợi của nó đối với sức khỏe. Đường cong sát đáy thể hiện khoảng an toàn dựa trên sự quan sát mức tiêu thụ dinh dưỡng không dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe. Bên phải là đường cong đi lên thể hiện tăng mức nguy cơ (ví dụ như bệnh tiểu đường) đối với cơ thể.
Các chuyên gia của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu đã tổng hợp thông tin từ 25.000 bài báo khoa học trong năm 2018 và thêm 7.500 bài năm 2020. Những bài báo khoa học này đã được xem xét kỹ lưỡng và tìm ra 120 nghiên cứu phù hợp về mối liên hệ giữa lượng đường sử dụng và các bệnh chuyển hóa mãn tính, những ảnh hưởng trong thai kỳ và những vấn đề về răng miệng.
Các nhà khoa học cũng đánh giá lượng đường tiêu thụ hàng ngày dựa trên các danh mục thực phẩm khác nhau sử dụng số liệu tiêu thụ được tiêu chuẩn hóa từ những cuộc khảo sát về chế độ ăn uống ở 25 quốc gia châu Âu với 135.000 người tham gia.
Những rủi ro đối với người tiêu dùng
Mặc dù với khối lượng lớn các công bố khoa học, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được ngưỡng giới hạn đối với lượng đường tiêu thụ. Trong khi chưa thể định lượng được những mối nguy, các nhà khoa học đã khẳng định mối liên hệ giữa lượng đường tiêu thụ và các vấn đề về sức khỏe.
Mối liên hệ giữa lượng đường tiêu thụ và các vấn đề răng miệng đã được khẳng định từ lâu. Bên cạnh đó, là những mối nguy của việc tiến triển các bệnh chuyển hóa mãn tính như béo phì, các bệnh về gan, tiểu đường tuýp 2, cholesterol xấu cao, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh gút. Ngoài ra, việc sử dụng đường còn liên quan đến các vấn đề về sức khỏe trong thai kỳ như tiểu đường thai kỳ và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Do đó, việc sử dụng đường (có sẵn hay bổ sung thêm vào thực phẩm) nên ở mức thấp nhất có thể. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về việc hạn chế sử dụng đường trong các danh mục thực phẩm khác nhau. Điều đó sẽ đem lại những lợi ích về sức khỏe cho người dân.
Tại sao các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được giá trị UL (hay ngưỡng giới hạn) đối với lượng đường tiêu thụ ?
Với mọi liều lượng thử nghiệm đều cho kết quả khẳng định và tuyến tính khi xem xét liên hệ giữa lượng đường sử dụng và những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe. Điều đó có nghĩa là mối nguy về những ảnh hưởng không có lợi cho sức khỏe tăng lên với việc tăng lượng đường sử dụng và chưa xác định được ngưỡng sử dụng an toàn đối với việc sử dụng đường. Với những bằng chứng khoa học rõ ràng, các nước châu Âu đã đưa ra khuyến cáo hạn chế sử dụng đường trong chế độ dinh dưỡng. Những nghiên cứu khoa học để tìm ra ngưỡng sử dụng đường an toàn vẫn đang được tiếp tục.
Những nguồn cung cấp đường chính trong chế độ ăn uống
Đường từ các nguồn lương thực như hoa quả tươi, rau, sữa và các sản phẩm sữa và ngũ cốc chiếm một lượng lớn trong tổng lượng đường tiêu thụ. Những sản phẩm không phải lương thực như đồ uống gồm đồ uống có bổ sung đường, nước quả, bánh ngọt, kẹo và lượng đường sử dụng trực tiếp hàng ngày cũng đóng góp phần lớn trong tổng lượng đường tiêu thụ.
– Khuất Thị Thủy dịch từ European Food Safety Authority-