Vietnamese English

Kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ KHCN do Viện Công nghiệp thực phẩm thực hiện

Chiều 22/6, tại Viện Công nghiệp thực phẩm, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra định kỳ các đề tài của Viện Công nghiệp thực phẩm trong khuôn khổ  Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Tham dự buổi kiểm tra có đại diện của Vụ Khoa học và Công nghệ; đại diện Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cùng các chuyên gia thẩm định độc lập; về phía Viện Công nghiệp thực phẩm có lãnh đạo viện, các nhóm nghiên cứu và cán bộ Viện. Các đề tài được kiểm tra gồm có (1) “Nghiên cứu sản xuất đường trehalose từ tinh bột bằng công nghệ enzyme ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm” và (2) “Nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng từ gạo lứt”.

ThS. Đỗ Thị Thanh Huyền báo cáo kết quả nghiên cứu

Một số sản phẩm của đề tài

 

Thay mặt nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu sản xuất đường trehalose từ tinh bột bằng công nghệ enzyme ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”, ThS. Đỗ Thị Thanh Huyền đã báo cáo kết quả thực hiện đến thời điểm hiện tại. Về cơ bản đề tài đã hoàn thành 5 nội dung công việc chính được giao. Cụ thể nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu tuyển chọn được 02 chủng vi sinh vật mang gen mã hóa MTSase và MTHase và 40 lít chế phẩm trehalose hoạt lực enzyme đạt >35.000U/ml. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, nhóm tiến hành nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất đường trehalose từ tinh bột sắn với độ tinh sạch >98%. Sản phẩm đầu ra là 6 tấn đường trehalose, đã được giao cho Công ty CP Sữa Ba Vì để thử nghiệm vào sản phẩm sữa chua. Theo kết quả kiểm định đạt chỉ tiêu VSATTP để đưa ra thị trường. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục sản xuất đường trehalose và giới thiệu để ứng dụng thử nghiệm vào một số sản phẩm của công ty sản xuất như Công ty CP Thảo dược Kaphaco, Công ty Khương Viên…

Với đề tài “Nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng từ gạo lứt”, ThS. Nguyễn Minh Thu, chủ nhiệm đề tài, cho biết, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 35/45 nhiệm vụ được giao. Cụ thể, “dựa trên nghiên cứu, nhóm đã xây dựng quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm thành công nước gạo đục cồn thấp, sữa gạo lứt, bột gạo lứt lên men lactic (kefiran) và bột gạo lứt giàu axit amin”.

Các sản phẩm của đề tài

Nhận xét chung, các chuyên gia đánh giá đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng được giao. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý nhóm nghiên cứu cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện báo cáo và hồ sơ chứng từ, để đảm bảo kịp thời gian nghiệm thu theo quy định. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát, hỗ trợ đơn vị trong quá trình triển khai nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Theo: Hoạt động KHCN ngành Công thương

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print