Vietnamese English

Hội thảo “Tính toán phát thải khí CO2 trong quá trình sản xuất nhiên liệu từ sắn ở Việt Nam”

Thực hiện Dự án: “Cân bằng phát thải khí CO2 trong quá trình sản xuất ethanol từ sắn ở Việt Nam” nguồn vốn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Viện công nghiệp thực phẩm và nhóm chuyên gia tư vấn tổ chức Hội thảo “Tính toán phát thải trong quá trình sản xuất ethanol từ sắn tại Việt Nam”.

Trong các hoạt động và dự án kiểm kê, điều tra, đánh giá phát thải khí CO2, Việt Nam thường phải sử dụng các hệ số phát thải của Hoa Kỳ, EU… Việc xác định tải lượng thường chưa chính xác với điều kiện thực tế về sản xuất và ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Do đó những đánh giá này chưa có nhiều giá trị giúp ích cho công tác xây dựng chính sách, quản lý chất lượng và kiểm soát ô nhiễm không  khí.

Mục tiêu của việc tính toán cân bằng phát thải cho quá trình sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn lát nhằm xác định các hệ số phát thải chuẩn cho các đơn vị sản xuất công nghiệp và cung cấp thông tin hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Viện trưởng Lê Đức Mạnh phát biểu khai mạc hội thảo

Đến dự Hội thảo có PGS. TS. Lê Đức Mạnh – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Giám đốc dự án, ông Fabio Grazi – đại diện cho Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Công Thương, đại diện Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề Muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, và đông đảo các nhà khoa học và các doanh nghiệp.

PGS. TS. Lê Đức Mạnh đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Viện Công nghiệp thực phẩm là cơ quan thực hiện dự án với mục tiêu đóng góp vào việc giảm khí thải nhà kính thông qua việc tính toán giảm thiểu đến mức tối đa hoặc loại trừ phát thải CO2  góp phần làm chậm hoặc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cán bộ tham gia dự án của Viện Công nghiệp thực phẩm và sự cộng tác giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà tư vấn, các nội dung chính của dự án đã được thực hiện, bao gồm: khảo sát thực trạng sản xuất sắn và cồn, xây dựng kế hoạch chi tiết bao gồm tổ chức hội thảo về thu thập và phân tích số liệu, tiến hành thu thập số liệu, phân tích số liệu; chuẩn bị dự thảo báo cáo khảo sát.

Ths. Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày phương pháp tính toán phát thải khí nhà kính trong sx ethanol từ sắn 

Thạc sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa đã thay mặt nhóm thực hiện dự án trình bày phương pháp luận tính toán phát thải khí nhà kính trong sản xuất ethanol từ sắn và báo cáo kết quả thu được tại hai nhà máy Ethanol Tùng Lâm và Ethanol Dung Quất. Phát thải trong quá trình sản xuất ethanol từ sắn ở Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với thế giới. Phát thải CO2 ở nhà máy Tùng Lâm từ 3,7kg CO2 đến 4,85kg CO2/tấn Ethanol và nhà máy Dung Quất từ 5,19 kg CO2­ đến 5,49 kg CO2/tấn ethanol. So sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc, phát thải của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Như vậy, quá trình sản xuất ethanol từ sắn ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng cắt giảm phát thải khí  nhà kính. Trong Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đã đóng góp rất nhiều ý kiến hữu ích giúp cho Viện và nhóm tư vấn hoàn thiện hồ sơ kết thúc Dự án.

Ths. Lê Ngọc Sương- cán bộ kỹ thuật tại Cty CP Nhiên liệu Sinh  học Dầu khí Miền Trung giới thiệu

về việc tận thu CO2 tại Cty

– Bài: Khuất Thị Thủy – 

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print