Vietnamese English

Hội thảo khoa học Lignocellulose và Nền Kinh Tế Tuần Hoàn

Ngày 30/10/2024, Viện Công nghiệp thực phẩm phối hợp cùng Đại học Kỹ thuật Chalmers, Thụy Điển tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Lignocellulose và nền Kinh tế Tuần hoàn. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ Bộ môn Công nghệ Sinh học Công nghiệp, Khoa Khoa học Sự sống, Đại học Kỹ thuật Chalmers, Thụy Điển, gồm GS. Lisbeth Olsson, PGS. Johan Larsbrink, TS. Meera Christopher, TS. Tom Coleman, và TS. Keonakhone Khounvilay (Đại học Quốc gia Lào). Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu tại Hà Nội, đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các doanh nghiệp.

PGS. Vũ Nguyên Thành phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS. Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, đã phát biểu khai mạc hội thảo. Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu và những biến đổi khí hậu làm tan băng ở các vùng cực, dẫn đến mực nước biển dâng cao, trái đất đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được nhiều quốc gia áp dụng như một giải pháp để ứng phó với những thách thức này, nhằm quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, lignocellulose đóng vai trò then chốt, với công nghệ enzym được áp dụng để tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống như nhiên liệu sinh học, nhiệt năng, điện năng và các vật liệu sinh học. Viện Công nghiệp thực phẩm và Đại học Kỹ thuật Chalmers đã hợp tác nghiên cứu các enzym thủy phân lignocellulose và đạt được nhiều thành tựu trong việc phân lập các chủng nấm mốc, xác định đặc tính enzym và hệ gen của các chủng phân lập, thực hiện phiên mã, biến nạp và thử nghiệm. Hai đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên đề và các khóa đào tạo.

 

GS. Lisbeth Olsson trình bày tham luận

 Tại hội thảo, TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, đã trình bày tham luận về Xu hướng chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn đối với sản phẩm cellulose sinh học. GS. Lisbeth Olsson đã chia sẻ các nghiên cứu tại Bộ môn Công nghệ Sinh học Công nghiệp, Đại học Kỹ thuật Chalmers, nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa enzym và cơ chất, và vai trò của chúng trong đa dạng sinh học. Cụ thể là tập trung vào các enzym Lytic Polysaccharide Monooxygenases (LPMOs) từ các chủng nấm sợi Thielavia terrestris đối với cơ chất lignocellulose. Việc chuyển hóa sinh học các vật liệu lignocellulose là một thử thách lớn đối với các nhà nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng các enzyme LPMOs rất nhạy cảm với cấu trúc hình học và những thay đổi trên cơ chất. GS. Lisbeth chia sẻ quan điểm về vai trò của sản xuất ethanol sinh học trong nền kinh tế sinh học tại Thụy Điển, việc chú trọng vào các sản phẩm phụ từ nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như sự chuyển mình từ sản xuất nhiên liệu sinh học sang các nhà máy sản xuất sinh học (biorefineries), trong đó enzym đóng vai trò quan trọng. Về định hướng tương lai, GS. Lisbeth nhấn mạnh rằng trong nền kinh tế sinh học, việc sử dụng hiệu quả nguyên liệu và năng lượng là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần sản xuất đa dạng các sản phẩm từ một nguồn sinh khối nhất định, đồng thời thiết kế các nhà máy tế bào sao cho đạt được tính bền vững, tối ưu hóa việc tuần hoàn năng lượng, tái sử dụng sản phẩm và nguyên vật liệu, cũng như duy trì hoạt động hiệu quả.

PGS. Johan Larsbrink trình bày tham luận

Các tham luận khác tại hội thảo gồm những chủ đề như nhà máy sinh học tích hợp từ rác thải mía tại Lào, chuyển đổi sinh học vỏ cây, khám phá đa dạng cấu trúc của enzym tannases, chiết xuất sinh học Suberin từ vỏ cây, và đa dạng nấm mốc chịu pH thấp tại Việt Nam. Phần trình bày của các diễn giả tiếp nối với phiên thảo luận, trong đó các đại biểu đã trao đổi về các định hướng nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo là cơ hội quan trọng để các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục cùng nhau thảo luận về những xu hướng mới, thách thức và cơ hội trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng lignocellulose trong nền kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là dịp để thúc đẩy sự kết nối, chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu lắng nghe tham luận

Đại biểu tham dự hội thảo

 

– Bài: Ths. Khuất Thị Thủy –

Chương trình Hội thảo khoa học Lignocellulose và Nền Kinh Tế Tuần Hoàn

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print