Vietnamese English

Đoàn giám sát của UBMT Tổ quốc Thành phố Hà Nội đến thăm và làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm

       Thực hiện Kế hoạch số 58/KH-MTTQ-BTT ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội về việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ; ngày 17 tháng 10 năm 2016, Đoàn Giám sát do ông Vũ Hồng Khanh- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các cán bộ cùng đi đã đến thăm, làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm.

ông Vũ Hồng Khanh-trưởng đoàn Giám sát trao đổi nội dung làm việc của Đoàn với Viện CNTP

      Viện trưởng, PGS.TS. Lê Đức Mạnh đã báo cáo với Đoàn Giám sát kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện Công nghiệp thực phẩm,  giai đoạn 2011- 2015. Báo cáo cho biết, Viện Công nghiệp thực phẩm được thành lập năm 1967, trực thuộc Bộ Công Thương. Trụ sở chính của Viện tại Hà Nội, 1 Phân Viện tại TP Hồ Chí Minh và một Trung tâm thực nghiệm sản xuất tại xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Viện có 198 cán bộ công nhân viên, trong đó có 5 PGS.TS, 11 TS và 75 ThS với 11 bộ môn, trung tâm nghiên cứu trực thuộc, 3 phòng quản lý; trong đó có 02 đơn vị có dấu và tài khoản riêng. Trước năm 2007,  Viện là đơn vị sự nghiệp có thu, từ năm 2007 đến nay, Viện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lương và kinh phí hoạt động bộ máy liên tục cắt giảm  từ năm 2007 đến năm 2014. Từ năm 2015 đến nay, lương và hoạt động bộ máy không còn, Bộ Công Thương chỉ cấp rất ít kinh phí cho các nhiệm vụ thường xuyên.

       Trước tình hình mới, về mặt tổ chức, Viện đã sắp xếp bộ máy theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Về hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Viện ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng cao để nhanh chóng chuyển giao cho các doanh nghiệp tạo thêm nguồn thu cho Viện. Dịch vụ khoa học, công nghệ và sản xuất đã được đặc biệt quan tâm. Viện đã làm tốt công tác tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và các địa phương về phát triển ngành Công nghiệp thực phẩm, tư vấn cho các doanh nghiệp trong công tác đầu tư sản xuất các sản phẩm mới và ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm; việc phân tích và giám định nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm cũng được tăng cường, vì vậy, doanh thu từ các hoạt động này đã góp phần vào việc chi lương cho cán bộ, công nhân viên và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Viện. Công tác Hợp tác quốc tế và Đào tạo nguồn nhân lực được củng cố và tăng cường. Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù phải thực hiện cơ chế quản lý mới với rất nhiều khó khăn, Viện vẫn phát triển ổn định và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Viện trưởng Lê Đức Mạnh báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 20 và
Luật Khoa học và Công nghệ của Viện CNTP

      Về những tồn tại trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về khoa học và công nghệ, Viện trưởng, PGS.TS. Lê Đức Mạnh cho rằng, các nghị quyết của Đảng về khoa học và công nghệ là rất đúng nhưng việc cụ thể hóa các nghị quyết này thành các văn bản quản lý nhà nước về khoa học công nghệ còn quá nhiều bất cập. Trước hết, đó là chính sách đãi ngộ các nhà khoa học chưa được thể hiện, việc đầu tư cho khoa học và công nghệ còn quá ít mới chỉ nhìn vào đầu tư của nhà nước trong khi các doanh nghiệp gần như không quan tâm đến vấn đề này; cơ chế quản lý khoa học và công nghệ thiếu đồng bộ, chồng chéo; thị trường khoa học và công nghệ chưa hình thành và phát triển; công tác định giá công nghệ chưa được thực hiện …Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có khó khăn riêng, đó là sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhỏ lẻ, chưa hình thành những vùng chuyên canh lớn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến thực phẩm ở quy mô công nghiệp; các doanh nghiệp không mặn mà với đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì đây là lĩnh vực đầu tư lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, lâu thu hồi vốn.

        Viện trưởng đã đề xuất một số kiến nghị và giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những tồn tại nói trên; theo đó, đề nghị nhà nước có chính sách đãi ngộ thỏa đáng các nhà khoa học, tạo điều kiện để họ yên tâm nghiên cứu sáng tạo; đề nghị nhà nước xây dựng cơ chế quản lý khoa học và công nghệ một cách đồng bộ theo hướng tạo điều kiện để các nhà khoa học làm việc thuận lợi. Viện trưởng cũng đề nghị nhà nước tập trung xây dựng thị trường khoa học và công nghệ vì chỉ khi nào thị trường khoa học, công nghệ hoạt động tốt thì khoa học và công nghệ mới có đủ điều kiện phát triển; đặc biệt, đề nghị nhà nước cần có những chính sách động viên các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học công nghệ. Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, Viện trưởng PGS.TS. Lê Đức Mạnh đề nghị nhà nước cần sớm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hình thành các cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh để có đủ điều kiện ứng dụng khoa học và công nghệ; Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn nữa và đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, đó là: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp.

Viện trưởng Lê Đức Mạnh dẫn đoàn đi thăm Trung tâm Phân tích và Giám định Thực phẩm Quốc gia, Viện CNTP

       Về Luật Khoa học và Công nghệ, PGS.TS. Lê Đức Mạnh đánh giá cao tinh thần của Luật, theo đó Luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và ứng dụng KHCN trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam còn mờ nhạt, chưa thể hiện được rõ nét trong Luật. Thực tế, nhiều năm qua, chúng ta đã phải trả giá cho vấn đề này, đó là việc nhập những công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng môi trường và việc chuyển giá đã liên tục diễn ra đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Viện trưởng Lê Đức Mạnh đề nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật KHCN theo hướng khắc phục những tồn tại nói trên.

      Đoàn Giám sát đã lắng nghe báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học của Viện giai đoạn 2011- 2015 cũng như ý kiến đóng góp  của Viện và trao đổi với Viện một số vấn đề mà Đoàn quan tâm.

       Đồng chí Vũ Hồng Khanh đã phát biểu kết luận buổi làm việc, ghi nhận những đóng góp to lớn của Viện đối với đất nước và với Hà Nội. Đồng chí cũng đã thay mặt Lãnh đạo Thành phố cám ơn các nhà khoa học của Viện về những đóng góp của Viện với Hà Nội. Đồng chí hứa ghi nhận đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của Viện để tập hợp, báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ nhằm tháo gỡ những khó khăn mà Viện đã nêu.

      Kết thúc buổi làm việc, Viện trưởng Lê Đức Mạnh dẫn Đoàn đi thăm các phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm của Viện.

Viện trưởng Lê Đức Mạnh dẫn đoàn đi thăm cơ sở vật chất của Viện

– Bài: Khuất Thị Thủy –

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print