Theo kế hoạch thực hiện Dự án Ethanol Sinh học pha 2, tiếp theo Hội thảo về Sản xuất Ethanol từ Sắn vào tháng 10, 2018, Khóa Đào tạo về Chính sách và Cấu trúc giá Xăng Sinh học- Kinh nghiệm của Mỹ, Brazil và Thái lan vào tháng 11, 2018, Viện Công nghiệp thực phẩm cùng với Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Quốc tế về Xăng Sinh học, Cấu trúc giá và Chính sách đối với Ethanol Sinh học vào ngày 25 tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo là các chuyên gia đến từ rất nhiều các tổ chức trên thế giới như Cộng hòa Liên bang Đức, Brazil, Thái Lan, Lào, Myanma. Về phía Việt Nam có đại diện của các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài Chính và các cơ quan khác như Hiệp hội Sắn Việt Nam, Petro Việt Nam, UNIDO Việt Nam, các trường đại học, các Công ty sản xuất ethanol sinh học tại Việt Nam, phóng viên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC 14…
PGS. TS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Giám đốc dự án tại Việt Nam đã phát biểu khai mạc diễn đàn
PGS. TS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Giám đốc Dự án tại Việt Nam đã phát biểu khai mạc diễn đàn. PGS. TS. Lê Đức Mạnh cho biết biến đổi khí hậu cũng như những biến động trong giá xăng dầu đã khiến các nước trên thế giới chuyển hướng sang các dạng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Tại Việt Nam, từ 1 tháng 1 năm 2018, xăng sinh học E5 RON 92 thay thế cho xăng dầu RON 92. Đây là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất ethanol sinh học trong nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn như công nghệ sản xuất, thiếu các chính sách hỗ trợ… Dự án “Vượt rào cản chính sách, thương mại và kỹ thuật để hỗ trợ cải tiến và chuyển giao công nghệ khu vực Nam- Nam: Mô hình sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn” nhằm để chuyển giao công nghệ đường hóa và lên men đồng thời với nồng độ chất khô cao từ Thái lan đến các nước Việt Nam, Lào, Myanmar… cũng như kinh nghiệm của Thái lan trong lĩnh vực này. Để thực hiện Dự án này, Viện đã xây dựng Xưởng thực nghiệm sản xuất ethanol từ sắn công xuất 50 lít/ngày. Xưởng thực nghiệm đã nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia đến từ trường Đại học Công nghệ King Monkut’s. Viện đã tổ chức 3 khóa đào tạo về kỹ thuật phân tích và sản xuất ethanol sinh học, một khóa đào tạo về chính sách và cấu trúc giá và một hội thảo về sản xuất ethanol từ sắn. Tại Hội thảo này, các chuyên gia đến từ CHLB Đức, Brazil, Thái lan và Việt Nam sẽ trình bày về chính sách, cấu trúc giá xăng sinh học nhằm đẩy mạnh việc sử dụng và sản xuất xăng sinh học tại Việt Nam. Hội thảo sẽ góp một tiếng nói với Chính phủ trong việc hoạch định chính sách đưa xăng sinh học vào thực tiễn.
GS. Christoph Menke, Đại học Khoa học Ứng dụng Trier- Đức trình bày về
Chính sách và Cấu trúc giá Xăng Sinh học và Ethanol Sinh học ở Châu Âu
GS. Christoph Menke, Đại học Khoa học Ứng dụng Trier- Đức trình bày về “Chính sách và Cấu trúc Giá Xăng Sinh học và Ethanol Sinh học ở Châu Âu”. TS. Antonio Bonomi- Phòng thí nghiệm khoa học và kỹ thuật về ethanol sinh học- Brazil trình bày tham luận về “Sản xuất và Sử dụng Xăng Sinh học và Ethanol Sinh học tại Brazil”. PGS. Veara Loha và TS. Athikom Bangviwat – Đại học Công nghệ King Mongkut’s, Thái Lan trình bày về “Tiềm năng về Nguyên liệu thô trong Sản xuất Ethanol tại Thái Lan’’ và “Sản xuất Ethanol và Giá Xăng Sinh học tại Thái lan”. ThS. Nghiêm Thị Ngoan- Viện Nghiên cứu xăng dầu Việt Nam trình bày về “Chính sách và Cấu trúc giá Xăng Sinh học và Ethanol Sinh học tại Việt Nam”.
TS. Antonio Bonomi- Phòng thí nghiệm khoa học và kỹ thuật về ethanol sinh học- Brazil trình bày tham luận về
Sản xuất và Sử dụng Xăng Sinh học và Ethanol Sinh học tại Brazil
Sản xuất ethanol sinh học tại Mỹ và Brazil đã đạt được thành công nổi bật. Với nguồn nguyên liệu dồi dào (từ ngô ở Mỹ và mía đường tại Brazil), diện tích đất canh tác rộng lớn cùng với công nghệ tiên tiến, ethanol sinh học sản xuất ở những nước này với giá thành cạnh tranh. Ethanol sinh học được sản xuất ở quy mô lớn và sử dụng rộng rãi để tạo ra xăng sinh học tại Brazil. Lượng ethanol sinh học sản xuất tăng trong giai đoạn 2002 – 2018 và đạt trên 10 tỷ lít ethanol khan năm 2018/2019. Brazil cũng tăng sản lượng dầu diesel sinh học. Sản xuất diesel sinh học tăng mạnh trong giai đoạn 2007- 2017 với tổng sản lượng đạt 5,3 tỷ lít năm 2018. Nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất ethanol sinh học cũng phát triển mạnh và đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Brazil đã phát triển thành công việc sản xuất ethanol sinh học thế hệ thứ hai với nguồn nguyên liệu là sinh khối lignocellulose. Theo kế hoạch, giá thành sản xuất ethanol thế hệ thứ hai này sẽ rẻ hơn thế hệ đầu trong thời gian tới. Sản xuất ethanol sinh học tại Brazil là một điểm sáng trong sản xuất ethanol sinh học trên thế giới. Châu Âu cũng như CHLB Đức chủ yếu sản xuất biodiesel từ hạt cải dầu. Với diện tích đất canh tác hạn chế và nguồn nguyên liệu thô (cải dầu) phải chia sẻ với các ngành công nghiệp thực phẩm và thức ăn gia súc, biodiesel được sản xuất với giá thành rất cao và không thể cạnh tranh với các nhiên liệu khác. Do đó, Châu Âu giữ nhiên liệu sinh học ở mức 5,75% tổng năng lượng cung cấp. Hiện nay, Châu Âu đang chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo khác như sản xuất điện từ nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Ethanol sinh học được sản xuất từ sắn tại Thái Lan với chi phí sản xuất cao hơn hẳn so với xăng dầu. Chính phủ Thái lan đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ như trợ giá cho nông dân trồng sắn, hỗ trợ giá cho xăng sinh học E20, E85, đầu tư vào nghiên cứu công nghệ sản xuất bioethanol từ sắn và năng xuất sản xuất sắn cũng như các chương trình truyền thông về xăng sinh học E20, E85. Kết quả là, các trạm xăng E10 trải rộng trên khắp cả nước, các trạm xăng E20, E85 tăng lên nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Năm 2018, ethanol tiêu thụ ước tính đạt 1,5 tỷ lít. Tại Việt Nam, kể từ 1 tháng 1 năm 2018, xăng sinh học E5 RON 92 đã thay thế cho xăng dầu RON 92. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất ethanol sinh học gặp phải rất nhiều khó khăn do giá thành sản xuất cao, thiếu nguyên liệu sắn, chất lượng sắn không ổn định, giá thành xử lý nước và rác thải rắn cao. Các doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
TS. Athikom Bangviwat – Đại học Công nghệ King Mongkut’s, Thái Lan trình bày về
Sản xuất Ethanol và Giá Xăng Sinh học tại Thái lan
Diễn đàn được chiếu trên kênh VTC 14, Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam. Các chuyên gia đến từ CHLB Đức, Brazil, Thái Lan và đại diện UNIDO Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của kênh VTC 14.
Đại biểu tham dự diễn đàn (Ảnh: Đinh Đức Hiền)
– Bài: Khuất Thị Thủy –
Kết nối đến Video Phỏng vấn được thực hiện bởi VTC 14