Ngày 3 tháng 7 năm 2020, Bộ Công Thương đã có buổi trao đổi với đại diện Tập đoàn CJ Hàn Quốc về đề xuất hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ gạo tại Viện Công nghiệp thực phẩm. Cuộc họp do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo của các đơn vị: Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Viện Công nghiệp thực phẩm, cùng lãnh đạo Tập đoàn CJ tại Việt Nam.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và đại diện Vụ KH & CN, Vụ Thị trường Châu Á- Châu Phi, Viện CNTP
trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn CJ tại Việt Nam
Tập đoàn CJ đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1999 với việc thành lập CJ Agri-sản xuất và kinh doanh gia súc, gia cầm và thủy sản, tiếp đó là chuỗi cửa hàng Tous les Jours vào năm 2007. Nhận thấy tiềm năng về chất lượng và quy mô của sản phẩm từ gạo Việt Nam cũng như những dấu ấn ẩm thực đặc trưng của Việt Nam trên thế giới, Tập đoàn CJ mong muốn được hợp tác với một viện nghiên cứu tại Việt Nam để đẩy mạnh, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất các sản phẩm thương mại từ các giống gạo hạt dài của Việt Nam, phát triển các sản phẩm bữa ăn ăn liền chất lượng cao sử dụng cơm gạo Việt Nam, nem cuốn, các loại mỳ gạo, cháo … Tập đoàn CJ cam kết các sản phẩm này sẽ được thương mại hóa qua các thương hiệu thực phẩm chế biến thuần Việt và được lan tỏa mạnh mẽ thông qua hệ thống phân phối lớn của CJ. Đồng thời, trong khuôn khổ hợp tác, Tập đoàn CJ và Viện Công nghiệp thực phẩm sẽ hướng tới thành lập một trung tâm nghiên cứu các công nghệ chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ gạo.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hoan nghênh và đánh giá cao sự chủ động đề xuất hợp tác giữa Viện Công nghệ thực phẩm và Tập đoàn CJ về định hướng nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm thực phẩm chế biến từ gạo cũng như ý tưởng thành lập trung tâm nghiên cứu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị hai Bên tiếp tục trao đổi, thống nhất để triển khai cụ thể hơn việc đánh giá tính khả thi của các đề xuất (làm rõ mục tiêu, sự cần thiết, lộ trình, nguồn nhân lực để vận hành, quản lý cũng như ứng dụng kết quả nghiên cứu,…) để chuẩn bị bước đầu, cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi để trao đổi thông tin, kinh nghiệm từ các dự án hợp tác liên quan trước đó nhằm triển khai việc hợp tác thuận lợi và hiệu quả nhất.
– Theo Khoa học Công nghệ Công thương –