Vietnamese English

Chế độ dinh dưỡng khuyến cáo cho Hội chứng hậu Covid-19

Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng coronavirus 2 (SARS-CoV2) đã lây lan nhanh chóng kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2019. Vào giữa năm 2020, nhiều báo cáo cho thấy bệnh nhân phàn nàn về các triệu chứng dai dẳng nhiều tuần sau đợt bệnh cấp tính. Hiện tại, tình trạng này được gọi là hội chứng hậu Covid-19. Hội chứng hậu Covid-19 xảy ra thường xuyên hơn ở bệnh nhân nhập viện (85%) và cả những cá nhân điều trị tại phòng khám ngoại trú hoặc tại nhà (10–35%) [7].

I. Hội chứng hậu Covid-19 là gì ?

Hội chứng hậu Covid-19 được đặc trưng bởi sự kết hợp nhiều triệu chứng bao gồm mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ, khó thở, đau khớp, lo lắng, tâm trạng không tốt, rối loạn chức năng nhận thức, đau ngực, huyết khối gây tắc mạch, rụng tóc và bệnh thận mãn tính. Những triệu chứng này có thể liên quan đến tổn thương trực tiếp do virus, di chứng miễn dịch- viêm, cũng như ảnh hưởng của quá trình điều trị. Việc nhiễm Covid-19 được biết là gây ra tiêu cơ do tình trạng viêm toàn thân ảnh hưởng đến sự tổng hợp protein của cơ. Bên cạnh đó, tình trạng mất cảm giác ngon miệng, vị giác và mùi do Covid-19 làm bệnh nhân ăn uống kém, tâm trạng không tốt và những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, ảnh hưởng đến sự phục hồi của tất cả các các hệ thống khác sau Covid-19. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng có thể đóng một vai trò quan trọng trong cả giai đoạn đầu của hội chứng hậu Covid-19 cũng như trong quá trình theo dõi bệnh nhân để cải thiện kết quả [1].

II. Vai trò của dinh dưỡng đối với bệnh nhân hội chứng hậu Covid-19

Hình 1. Vai trò dinh dưỡng đối với bệnh nhân hội chứng hậu Covid-19 [1]

Dinh dưỡng trong phục hồi khối lượng cơ và tình trạng thiểu cơ (Sarcopenia)

Sarcopenia là một tình trạng tiến triển và tổng quát gây mất khối lượng cơ và chức năng. Duy trì đủ khối lượng cơ và sức mạnh là điều quan trọng để sống lành mạnh. Tình trạng thiểu cơ cấp tính được biết là xảy ra trong giai đoạn nhiễm Covid-19, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi, trực tiếp tác động đến chức năng và phục hồi sau Covid-19. Việc sử dụng steroid đường tiêm ở những bệnh nhân Covid-19 nặng cũng góp phần làm tăng sự phân hủy protein trong cơ. Do đó, liệu pháp dinh dưỡng để phục hồi khối lượng cơ là một khía cạnh quan trọng trong việc quản lý hội chứng hậu Covid-19. Theo đó, nhu cầu protein tối thiểu hàng ngày đối với người cao tuổi khỏe mạnh là 0,83g protein chất lượng tốt cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra, bổ sung β-hydroxy-β-methylbutyrate hoặc creatine cũng có hiệu quả. Bổ sung leucine- một amin thiết yếu giúp phục hồi khối lượng cơ và phục hồi thể chất ở những bệnh nhân mắc hội chứng hậu Covid-19 nhanh hơn [1].

Dinh dưỡng trong cải thiện thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột

Hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò quan trọng, duy nhất đối với trao đổi chất trong vật chủ. Rối loạn vi khuẩn đường ruột có liên quan đến các bệnh mãn tính của vật chủ như bệnh viêm ruột, bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và ung thư đại trực tràng. Hơn nữa, ruột có thể có tác động đến não bằng cách truyền tín hiệu thần kinh, phản ứng viêm và nội tiết tố, do đó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Bệnh nhân COVID-19 có những thay đổi trong thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt với những người phải sử dụng kháng sinh. Do đó, một chế độ ăn uống cân bằng có chứa các hợp chất dinh dưỡng hỗ trợ hệ vi sinh vật khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường thể chất và sức khỏe tâm lý của bệnh nhân hội chứng hậu Covid-19 [1].

Dinh dưỡng trong cải thiện Hội chứng mệt mỏi hậu Covid-19

Các nghiên cứu gần đây cho thấy một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân Covid-19 bị Hội chứng mệt mỏi kéo dài hậu Covid-19, với các triệu chứng giống Hội chứng mệt mỏi mãn tính (chronic fatigue syndrome -CFS). Sinh lý bệnh phức tạp và liên quan đến rối loạn chức năng, rối loạn nội tiết và rối loạn tâm trạng (trầm cảm hoặc lo lắng), kết hợp với các khuynh hướng di truyền, môi trường và kinh tế xã hội. Hiện tại, chưa có đủ bằng chứng về việc sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng và thay đổi chế độ ăn để làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi hậu Covid-19. Tuy nhiên, có bằng chứng chứng minh rằng sự thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như vitamin C, vitamin nhóm B, natri, magiê, kẽm, axit folic, l-carnitine, l-tryptophan, axit béo thiết yếu và coenzyme Q10 dường như đóng vai trò quan trọng trong mức độ nghiêm trọng và tiến triển của các triệu chứng mệt mỏi do Covid-19 do tăng stress oxy hóa. Gần đây, một số thử nghiệm tập trung vào bệnh nhân CFS đã báo cáo lợi ích của chất chống oxy hóa và lipid để giảm các triệu chứng CFS. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm các axit béo thiết yếu và chất chống oxy hóa dưới dạng một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng, có thể giúp kiểm soát và giảm bớt hội chứng mệt mỏi hậu Covid-19 [1].

Vai trò có thể có của chế độ ăn uống và các chất dinh dưỡng đơn lẻ đối với sức khỏe tâm lý

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hội chứng hậu Covid-19 còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, bao gồm sự phát triển của lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng và suy giảm nhận thức. Mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe tâm lý ngày càng được chú ý trong những năm gần đây. Các nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy việc tiêu thụ nhiều rau, quả liên quan đến khả năng giảm nguy cơ trầm cảm. Bổ sung glycophospholipid – chất chống oxy hóa, vitamin được chứng minh làm cải thiện điểm số mệt mỏi tổng thể của những đối tượng trung bình được đo bằng thang đo độ mỏi Piper (PFS). Chế độ ăn giàu axit béo omega-3 điều chỉnh các gen tham gia vào việc duy trì chức năng khớp thần kinh và tính dẻo ở động vật, đồng thời nâng cao chức năng nhận thức ở người. Ngoài ra, thiếu hụt axit béo omega-3 liên quan đến nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần khác nhau. Do đó, axit béo omega-3 rất quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe tâm lý [4].

Một chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây và rau quả, và bổ sung axit béo omega-3, với lượng nhỏ chất béo chuyển hóa và carbohydrate tinh chế có thể nâng cao sức khỏe tâm lý và do đó, có thể đóng một vai trò trong việc phục hồi từ hội chứng hậu COVID-19.

III. Khuyến nghị về chế độ ăn uống cho bệnh nhân mắc hội chứng hậu Covid-19

Hội chứng hậu Covid-19 được đặc trưng bởi suy dinh dưỡng, mất khối lượng cơ, viêm cấp thấp và các triệu chứng dai dẳng như suy giảm chức năng (mệt mỏi và yếu cơ), khó nuốt (đặc biệt ở những bệnh nhân được đặt nội khí quản trong nhập viện), chán ăn và thay đổi vị giác, khứu giác. Do đó, mục tiêu của liệu pháp dinh dưỡng trong hội chứng hậu Covid-19 nên tập trung vào việc điều chỉnh sự thiếu hụt dinh dưỡng để hỗ trợ phục hồi đầy đủ về mặt tình trạng thể chất và chức năng, cũng như sức khỏe tâm thần [1].

Hình 2. Khuyến nghị về chế độ ăn uống cho bệnh nhân hội chứng hậu Covid 19 [1]

Nhu cầu năng lượng

Nhu cầu năng lượng cho bệnh nhân hội chứng hậu Covid-19 phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng thực tế. Hầu hết bệnh nhân bị giảm cân không chủ ý trong thời gian nhiễm Covid-19, do tình trạng viêm tăng lên, mất cảm giác thèm ăn liên quan đến vị, khứu giác thay đổi và rối loạn nuốt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cảm thấy no sớm và no sau khi ăn và uống. Vì vậy, điều quan trọng là phải sửa chữa sự mất cân bằng giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng thu vào. Dựa trên việc ước tính năng lượng cá nhân yêu cầu (theo tuổi, giới tính và cân nặng), bệnh nhân có thể được tư vấn để bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị thừa cân/béo phì trước Covid-19, việc giảm cân được khuyến khích để ngăn ngừa nhiễm vi-rút trong tương lai và giảm viêm cận lâm sàng liên quan đến béo phì [1].

Chất dinh dưỡng đa lượng

Nhu cầu protein cao hơn ở những bệnh nhân mắc hội chứng hậu Covid-19. Bệnh nhân được khuyến nghị sử dụng protein chất lượng cao 15-30g protein/bữa ăn cả từ nguồn thực vật và động vật để đảm bảo lượng tất cả các axit amin thiết yếu. Ngoài ra, có thể bổ sung axit amin arginine và glutamine có vai trò trong việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch.

Đối với chất béo, hãy tiêu thụ hàng ngày 1,5–3g axit béo omega-3 (axit eicosapentaenoic & axit docosahexaenoic)/ngày để cải thiện tình trạng viêm. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng axit béo omega-3 có thể ức chế sự nhân lên của vi rút và có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng mới. Bên cạnh đó, nên tăng cường tiêu thụ dầu ô liu nguyên chất để cung cấp đủ lượng axit béo không no một nối đôi, tocopherol (vitamin E) và polyphenol có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

Việc tiêu thụ các nguồn cacbonhydrat có chỉ số đường huyết thấp được khuyến khích. Chất xơ nhớt, có thể lên men bao gồm β-glucan, arabinoxylans từ ngũ cốc nguyên hạt, pectin từ trái cây, rau và các loại đậu nên được tăng cường do tác dụng tiền sinh học của nó đối với vi khuẩn sản sinh butyrate có liên quan đến việc giảm viêm trong vật chủ. Lưu ý là việc tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết cao liên quan đến tăng viêm và tăng stress oxy hóa [6,8].

Vi chất dinh dưỡng

Một nghiên cứu đã đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng ở bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin D (76%) và selen (42%) [2]. Vai trò của vitamin D trong việc giảm nhiễm trùng được thực hiện thông qua một số cơ chế như cảm ứng của cathelicidin và defensin, làm giảm sự tồn tại và nhân lên của vi rút và giữ cho các lớp biểu mô không bị hư hại. Tác động của việc bổ sung vitamin D đối với các chỉ số của chứng viêm và stress oxy hóa cũng đã được nghiên cứu trong các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân tăng huyết áp và chuyển hóa canxi [3].

Thực phẩm thuốc

Có thể bổ sung vitamin và khoáng chất có đặc tính chống oxy hóa, bổ sung glutathione cải thiện tổn thương oxy hóa ở một số mô. Đối với các chất kích thích miễn dịch, các protein và peptit trong sữa (lactoferrin bò, lactoperoxidase, albumin huyết thanh, β-lactoglobulin và α-lactalbumin) đã được sử dụng có hiệu quả. Men vi sinh (Lactobacillus và Bifidobacteria) có thể cải thiện phản ứng miễn dịch, tạo thuận lợi cho sự cạnh tranh với các mầm bệnh duy trì tính toàn vẹn của hàng rào ruột.

Chế độ ăn Địa Trung Hải

Một số nghiên cứu đã xác nhận tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch của chế độ ăn Địa Trung Hải đối với một số các bệnh liên quan đến viêm cấp thấp mãn tính. Có sự liên quan giữa việc tuân thủ chế độ ăn Địa Trung Hải và kết quả hồi phục tốt hơn ở bệnh nhân Covid-19. Do đó, khuyến cáo nên tiêu thụ nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật (trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu), protein động vật chất lượng cao (cá, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng và pho mát ít béo) và dầu ô liu nguyên chất nguồn chất béo chính [5].

Uống đủ nước

Việc uống nước đầy đủ (30 mL/kg trọng lượng cơ thể thực tế) là rất quan trọng để phục hồi hoàn toàn đối với bệnh nhân hội chứng hậu Covid-19. Do đó, những bệnh nhân này nên tăng lượng chất lỏng tiêu thụ hàng ngày của họ (2,5–3 L/ngày) bằng cách tiêu thụ nước, sữa, nước hoa quả, nước dùng, đồ uống thể thao, cà phê và trà.

 

– Ths. Khuất Thị Thủy, Viện công nghiệp thực phẩm dịch –

Tài liệu tham khảo

  1. Luigi Barrea et al. 2022, “Dietary Recommendations for Post-COVID -19 Syndrome”, Nutrients 14, 1305.
  2. Cawood, A.L.; Walter, E. R.; Smith, T. R.; Sipaul, H. R.; Stratton, R.J. 2000 “A review of Nutrition Support Guidelines for Individuals with or Recovering from COVID -19 in community”, Nutrients, 12, 3230.
  3. W.B. et al. 2020, “ Evidence that Vitamin D Supplementation Could Reduce Risk of Influenza and COVOD-19 Infection and Death, Nutrients, 12, 988.
  4. Lange, K. W. 2020. Omega-3 fatty acids and mental health. Health J. 4, 18-30.
  5. Maiorino, M.L. et al. 2020, “Mediterranean Diet and COVID-19: Hypothesizing Potential Benefits in People with Diabetes”. Endocrinol. (Lausanane), 11, 575315.
  6. Monnier, L. et al. 2006, “Activation of oxidative stress by acute glucose flunctuations compared with sustained chronic hyperglymecia in patient with type 2 diabetes. JAMA 2006, 295, 1681 -1687.
  7. Pavli, A; Theodoridou, M; Maltezou 2021, HC. Post-COVID Syndrome: Incidence, Clinical Spectrum, and Challenges for Primary Healthcare Professionals. Arch. Med. Res. 52, 575-581.
  8. Vetrani, C; Costabile, G;Di Marino, L; Rivellese, A. A. 2013, “Nutrition and oxidative stress: A systematic review of human studies”. J. Food Sci. Nutr. 64, 312 -326.
Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print