Vietnamese English

Bảo vệ luận án Tiến sỹ cấp Viện.

Ngày 15/9/2018, Viện Công nghiệp thực phẩm đã tổ chức bảo vệ luận án Tiến sỹ cho NCS Nguyễn Thị Hoàng Lan với đề tài “Nghiên cứu công nghệ chiết tách axit béo omega-3 từ hạt và tinh dầu lá cây tía tô Việt Nam”, chuyên ngành: Chế biến thực phẩm và đồ uống, mã số: 62.54.02.01.

 

Lễ bảo vệ Luận án Tiến sỹ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Hoàng Lan (Ảnh: Vũ Đức Chiến)

 

Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện đã nhận định: Luận án có tính mới, tính khoa học và thực tiễn. Nghiên cứu sinh đã làm việc nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao.

Đã xác định được hàm lượng dầu hạt tía tô và tinh dầu lá tía tô Việt Nam ở các vùng trồng khác nhau. Hàm lượng dầu của hạt 22,8- 33,34% chất khô và tinh dầu 0,24-1,22% chất khô. Hàm lượng tinh dầu tía tô ở các vùng núi phía Bắc cao hơn ở vùng đồng bằng.

Đã xác định được thành phần các cấu tử bay hơi trong tinh dầu của lá tía tô ở 8 vùng trồng khác nhau. Thành phần chính tinh dầu là các thuộc nhóm PA như perilla aldehyde, perilla alcohol, limonene và không có các chất gây độc thuộc nhóm PK (perillaketone).

Xây dựng được quy trình công nghệ khai thác dầu hạt tía tô bằng phương pháp trích ly động với hiệu suất thu nhận dầu đạt 96,58%, chất lượng dầu tốt, đạt yêu cầu để làm nguyên liệu cho sản xuất hỗn hợp axit béo omega-3 và omega-6.

Xây dựng được quy trình thu nhận hỗn hợp axit béo omega 3 và omega 6 thông qua các công đoạn thủy phân dầu hạt tía tô và công đoạn làm giàu hỗn hợp axit béo omega 3 và omega 6 bằng tạo phức với urê. Từ quy trình công nghệ này thu được sản phẩm hỗn hợp axit béo có hàm lượng axit béo omega 3 và omega 6 cao, đạt khoảng 95%.

Đã phân tích và đánh giá chất lượng sản phẩm dầu hạt tía tô và sản phẩm hỗn hợp axit béo giàu omega-3 và omega-6 chiết tách từ dầu hạt tía tô với hàm lượng axit omega-3 đạt 76,62% và omega-6 là 18,24% (độ tinh khiết của sản phẩm hỗn hợp axit béo không thay thế  omega-3 và omega-6 từ dầu hạt tía tô đạt 94,86%). Sản phẩm đạt các chỉ tiêu chất lượng và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có độ an toàn cao, không xác định được LD50.

Đã xác định được công nghệ khai thác tinh dầu lá tía tô bằng phương pháp chưng cất với hiệu suất thu nhận tinh dầu đạt 95,35%.

Đã xác định được khả năng kháng khuẩn, kháng  ôxi hóa của tinh dầu lá tía tô Việt Nam và xây dựng được quy trình công nghệ thu nhận các chất chống oxy hóa polyphenol từ lá tía tô với hàm lượng polyphenol và flavonoid trong cao chiết và khả năng kháng oxy hóa cao.

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print