Vietnamese English

Hội thảo chuyên đề về Enzym thủy phân Lignocellulose: Sản xuất và Ứng dụng

Ngày 6,7/2/2018, Viện Công nghiệp thực phẩm đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Enzym thủy phân Lignocellulose: Sản xuất và Ứng dụng” trong khuôn khổ hợp tác với trường Đại học Công nghệ Chalmers tại Hòa Bình.

PGS. TS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm phát biểu khai mạc Hội thảo. Theo Viện trưởng Lê Đức Mạnh, Lignocellulose là vật liệu có số lượng nhiều và rất sẵn có trên trái đất. Vật liệu này là nguồn cung cấp lớn và ổn định về năng lượng và nguyên liệu thô cho công nghiệp chế biến. Một trong những khó khăn lớn nhất khi sử dụng vật liệu này đó là tính bền của lignocellulose đối với tác động của enzym. Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới, nơi có đang dạng sinh học và chu trình các bon nhanh nhất. Khu vực nhiệt đới này được hy vọng có thể cung cấp những enzym thủy phân lignocellulose chưa được biết đến. Hội thảo mang đến cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cơ hội trình bày, trao đổi ý kiến và hướng đi cho việc sản xuất và ứng dụng enzym thủy phân lignocellulose.

PGS. TS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm phát biểu khai mạc

 Hội thảo

        GS. Lisbeth Olsson, trường Đại học Công nghệ Chalmers trình bày tham luận giới thiệu về Hội thảo “Enzym ứng dụng trong thủy phân, biến đổi và nâng cao chất lượng của lignocellulose”. Trường Đại học Công nghệ Chalmers đã hợp tác với Viện Công nghiệp thực phẩm trong hai dự án bắt đầu từ năm 2010. Đó là Dự án “Tìm kiếm các enzym thủy phân lignocellulose ứng dụng trong chăn nuôi và sản xuất ethanol sinh học từ rác thải nông nghiệp” & Dự án “Phát hiện và sản xuất enzym ở Việt Nam hướng đến sản xuất bền vững các chất sinh hóa và nhiên liệu sinh học”. Dự án bao gồm phân lập các chủng nấm mốc, phát hiện các enzym mới và hệ gen vi sinh vật, đào tạo nhân lực … Các dự án này tập trung vào (a) enzym thủy phân thành phần tế  bào, những hiểu biết về quá trình thủy phân sử dụng enzym và những thay đổi về hóa học và cấu trúc trong quá trình; (b) những enzym có thể biến đổi thành phần tế bào, tạo thành  những vật liệu mới nhờ những biến đổi trên bề mặt và (c) các enzym có thể nâng cao chất lượng thành phần tế bào thành các hóa chất có giá trị hơn.

Thảo luận sôi nổi trong Hội thảo

       Trong 8 năm hợp tác giữa trường Đại học Công nghệ Chalmers và Viện Công nghiệp thực phẩm, 1100 chủng nấm mốc phát triển ở nhiệt độ bình thường và 106 chủng nấm  mốc ưa nhiệt được phân lập. Các chủng này được định danh dựa trên giải trình tự rRNA và 29 loài được phát hiện. Đã phát hiện 23 nhóm nấm mốc ưa nhiệt chưa từng được nghiên cứu. Đã nghiên cứu các chất do nấm mốc tạo ra để tìm kiếm enzym có khả năng phân giải rơm chưa qua xử lý. Một vài chủng cho thấy hoạt tính thủy phân cao hơn chủng đã được biết đến là chủng Tricoderma  reesei RUT C30. Hệ gen và biến nạp của những chủng này trên các nguồn cơ chất khác  nhau được nghiên cứu để xác định hệ thống enzym tham gia vào quá trình phân rã lignocellulose. Đã thực hiện việc sản xuất và ứng dụng enzym tái tổ hợp trong ngành công nghiệp chức ăn chăn nuôi.

Các chuyên gia từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu khu vực Hà Nội và Thụy Điển đã có những tham luận thú vị trong lĩnh vực này.

Đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề về “Enzym thủy phân Lignocellulose: Sản xuất và Ứng dụng”

Sau hai ngày làm việc sôi nổi, Hội thảo chuyên đề về “Enzyme thủy phân Lignocellulose: Sản xuất và Ứng dụng” đã thành công tốt đẹp và đem đến những thông tin mới, hữu ích trong lĩnh vực này.

– Bài: Khuất Thị Thủy, Ảnh: Đinh Đức Hiền –

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print