Ảnh chỉ mang tính minh họa (Ảnh: Getty Image/Istockphoto)
Có thể nói, trong thời gian quan những vụ thu hồi thực phẩm có liên quan đến nhiễm ethylen ôxit/ethylene oxide (EO) xảy ra với quy mô, mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Từ tháng 9/2020, Bỉ đã thông báo có sự tăng EO trong hạt vừng được nhập khẩu từ Ấn Độ qua Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh Châu Âu về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi (RASFF). Tiếp đó, Pháp đã yêu cầu thu hồi gần 7000 sản phẩm do nhiễm EO, từ hạt vừng tới kem, hạt tiêu, gừng, củ hẹ, cà phê, bánh mì, bánh quy và các bữa ăn sẵn. Tại Đức, 54 sản phẩm cũng được yêu cầu thu hồi với cùng lý do nhiễm EO.v.v. Đã có nhiều vụ thu hồi khác bên ngoài châu Âu, gần đây là vụ thu hồi kem vani hãng Häagen-Dazs ở nhiều nước trên thế giới (Pháp, Mỹ, Iceland, Úc, NewZeland, Singapore, Indonesia .v.v.) [6,7]
Hàng nghìn sản phẩm thông thường và hữu cơ có thời hạn sử dụng dài như ngũ cốc, sô cô la, bánh quy, bánh mì, bánh quy giòn, dầu mè, bánh mì tròn và các món ăn châu Á đã bị ảnh hưởng.[7]
Khái niệm về EO
Ethylen ôxít (EO) (công thức phân tử: CH2(O)CH2) là một chất khí bay hơi không màu, dễ cháy có khả năng hòa tan trong nước cao. EO có nhiệt độ nóng chảy 10,70C và áp suất hơi ̴146 kPa ở 200C và là một phân tử hoạt động mạnh.
Hình 1. Cấu trúc hóa học của ethylen ôxit
EO là được phép sử dụng như một chất khử trùng để kiểm soát dịch hại như cũng như một loạt các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn gây bệnh ở một số quốc gia, ví dụ: Ấn Độ, Canada và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc sử dụng EO làm thuốc trừ sâu bị cấm ở Liên minh Châu Âu do EO có thể gây đột biến và gây ung thư và ảnh hưởng đến sinh sản trên người. Dẫn xuất của EO là 2- chloroethanol (hay còn được gọi là ethylene chlorohydrine hay 2- CE) cũng được xếp là độc hại [2].
Thực trạng nhiễm tạp EO trong sản phẩm kem (ice cream) và nguyên nhân
Thời gian gần đây, liên tục có các thông báo về việc thu hồi sản phẩm kem ở nhiều nước trên thế giới do nhiễm tạp hóa chất độc hại EO. Ngày 8/7/2022, Hệ thống cảnh báo nhanh RASFF đã báo cáo trường hợp ô nhiễm EO trong kem vani nhãn hiệu Häagen-Dazs của Pháp với mức độ vượt tiêu chuẩn chất lượng [3]. Trước đó, ngày 6/7/2022, chính phủ Pháp đã thu hồi sản phẩm này trên thị trường. Việc thu hồi loại kem này cũng được thực hiện tại Úc và New Zealand ngày 7/7/2022 và Ireland ngày 9/9/2022 và Singapore ngày 8/7/2022 .v.v. [1, 4, 5] Nguyên nhân được xác định là do nhiễm tạp EO trong chiết xuất vani sử dụng trong kem [6]. Giả thiết có thể là việc sử dụng thuốc trừ sâu có chứa EO trên hoa vani (nguyên liệu để làm kem HäagenDazs với hương vani) để lại dư lượng cao [1].
Trước đó, tháng 6/2021, RASFF đã đưa ra cảnh bảo về sự có mặt của ethylen ôxít trong chất ổn định Lygomme FM 4605 xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ và được sử dụng trong sản xuất kem tại Tây Ban Nha. Những sản phẩm này được yêu cầu thu hồi tại Châu Âu [6]. Gần đây, dư lượng EO cũng phát hiện trong hỗn hợp chất ổn định (Lygomme FM 4605 và FM 3630) từ một nhà cung cấp. Nguyên nhân của sự ô nhiễm là do sử dụng carob bean gum hay gôm đậu carob (phụ gia thực phẩm E410). Hậu quả là kem có chứa hỗn hợp chất ổn định có thể bị nhiễm EO mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ ban đầu của EO trong gôm đậu carob và lượng sử dụng E410 trong sản xuất kem. Hạt hoặc vỏ đậu carob dường như đã được hun trùng ở cấp trang trại, do đó đưa EO vào các thành phần khác nhau và tác động đến nhiều nhà sản xuất kem trên khắp châu Âu [1].
Có thể thấy là tình trạng nhiễm EO trong sản phẩm kem khá phổ biến. Nguyên nhân chính của hiện trạng này là nguyên liệu và thành phần sử dụng trong sản xuất kem nhiễm EO.
Phương pháp phân tích EO
Ethylen ôxit được phân tích bằng GC-MS hoặc GC-MS/MS. Gần đây, phương pháp chiết xuất QuEChERS và sắc ký khí pha loãng đồng vị kết hợp với khối phổ song song (GC-MS/MS) đang được sử dụng để phân tích EO trong sản phẩm kem có sử dụng phụ gia thực phẩm carob bean gum (E410) [2].
Cần lưu ý EO là chất dễ bay hơi do có điểm sôi thấp 10,4°C và chuyển hóa thành chất chuyển hóa ít bay hơi hơn 2-cloroetanol (2-CE, điểm sôi 129°C) trong điều kiện môi trường với nucleophile như clorua. Do đó, quy định của Ủy ban châu Âu định nghĩa dư lượng EO là tổng của EO và 2-CE, được biểu thị bằng EO [2].
Cập nhật quy định mới của châu Âu đối với dư lượng ethylen oxit trong sản phẩm thực phẩm
Theo Quy định mới của Liên minh Châu Âu EU Regulation 2022/1396 ban hành ngày 11/8/2022 và có hiệu lực vào tháng 9: ethylen ôxit không phân biệt nguồn gốc, không được phép làm phụ gia thực phẩm. Các quy tắc mới nêu rõ rằng không cho phép dư lượng trên 0,1 mg/kg etylen oxit (tổng của etylen oxit và 2-cloro-ethanol được biểu thị bằng etylen oxit) trong các chất phụ gia thực phẩm được liệt kê trong luật của EU, bao gồm cả hỗn hợp phụ gia thực phẩm. Theo công bố của Ủy ban châu Âu, các sản phẩm thực phẩm chứa Locust bean gum (E410) bị ô nhiễm ethylen ôxit trên 0,1mg/kg phải được thu hồi [10].
Riêng đối với hạt mè nhập khẩu từ Ấn Độ, Ủy ban Châu Âu thực hiện Quy chế Ủy ban 2020/1540 yêu cầu dư lượng cao nhất của EO là 0,05 mg/kg [2].
Trong Quy định (EC) số 396/2005, đối với thực phẩm, dư lượng tối đa (MRL) đối với một số chất trong đó có ethylen ôxit (tổng của etylen ôxit và 2-cloroethanol) ở mức giới hạn phân tích chính thức của phép xác định là 0,02 mg/kg. Đối với thực phẩm dành cho trẻ em, dư lượng tối đa đối với EO quy định là 0,01 mg/kg và thức ăn dùng cho chăn nuôi là 0,02 mg/kg. Thêm vào đó, nếu một nguyên liệu/thành phần không tuân thủ đã được sử dụng, sản phẩm cuối cùng vẫn được coi là không an toàn, không đáp ứng yêu cầu và phải thu hồi. [9]
Có thể thấy rằng, liên minh châu Âu đang thắt chặt các quy định đối với sản phẩm thực phẩm nhiễm tạp ethylen ôxit. Với quy định mới này, dự báo việc thu hồi hàng loạt sản phẩm thực phẩm do nhiễm EO sẽ tiếp tục diễn ra với quy mô, mức độ chưa từng thấy từ trước đến nay. Việc này không chỉ xảy ra đối với sản phẩm kem mà còn với rất nhiều sản phẩm thực phẩm khác. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong nước cần hết sức chú ý khi xuất khẩu sản phẩm. Các cơ quan chức năng cũng cần có những hỗ trợ cho doanh nghiệp để kịp thời đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường.
Ths. Khuất Thị Thủy
Viện Công nghiệp thực phẩm
RASFF: Rapid Alert System for Food and Feed (Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh Châu Âu về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi)
Reference
- Elanda Fikri1 , Yura Witsqa Firmansyah, 2022. “A Case Report of Ethylene Oxide Contamination in Ice Cream “Häagen-Dazs”, How in Indonesia?”, Serambi Engineering, Vol. VII, No.4, pp. 3789 – 3792.
- Thomas Bessaire et al., 2021. “Analysis of ethylene oxide in ice creams manufactured with contaminated carob bean gum (E410)”, Food Additives & Contaminations: Part A, Vol. 38, No. 12, pp.2116-2127.
- Window, “Ethylene Oxide in Vanilla Ice Cream,” 2022. [Online]. Available: https://webgate.ec.europa.eu/rasff-window/screen/notification/558641. [Accessed: 20-Jul-2022].
- Republique Francaise, “Cremes Glacees Vanille.”, The Connection, France. [Accessed: 31-July2022]
- https://www.fsai.ie/news_centre/food_alerts/haagen_dazs_vanilla_collection_ice_cream_recall.html#:~:text=The%20above%20batch%20of%20H%C3%A4agen,other%20countries%20outside%20the%20EU
- https://www.foodnavigator.com/Article/2021/07/19/No-safe-level-of-exposure-EC-orders-mass-recall-of-products-contaminated-with-ethylene-oxide?utm_source=copyright&utm_medium=OnSite&utm_campaign=copyright
- https://www.irishexaminer.com/farming/arid-40945286.html
- https://www.fsai.ie/faq/ethylene_oxide.html9.
- https://www.foodsafetynews.com/2022/08/eu-to-tighten-ethylene-oxide-rule-for-food-additives/