Vietnamese English

Quy định Thực thi Mới của Ủy ban Châu Âu 2024/1664 và Lưu ý đối với các Sản phẩm Rau quả Xuất khẩu của Việt Nam

Sản phẩm sầu riêng, thanh long, ớt, đậu bắp của Việt Nam (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

 

Một tin vui cho các nhà sản xuất và xuất khẩu mì ăn liền Việt Nam, theo Quy định Thực thi mới của Ủy ban Châu Âu 2024/1664, sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam được chuyển ra khỏi Phụ lục I và sẽ không chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU.

Quy định thực thi của Ủy ban Châu Âu 2024/1664 sửa đổi Quy định thực thi số (EU) 2019/1793 về việc tăng tạm thời các biện pháp kiểm tra chính thức và các biện pháp quản lý khẩn cấp đối với một số hàng hóa từ một số nước thứ ba nhập khẩu vào EU được ban hành ngày 11/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 2/7/2024.

Cần lưu ý,  lần đầu tiên, quả sầu riêng Việt Nam (quả tươi/ giữ lạnh) bị đưa vào Phụ lục I với với tần suất kiểm tra tại cửa khẩu là 10% tổng số lô hàng về dư lượng thuốc trừ sâu.

Sản phẩm ớt thuộc chi Capsicum (trừ ớt ngọt) bao gồm cả sản phẩm tươi, lạnh và lạnh đông bị chuyển từ Phụ lục I sang Phụ lục II với tần suất kiểm tra tại  cửa khẩu là 50% tổng số lô hàng. Đồng thời, các lô hàng phải có giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích tuân thủ các yêu cầu của EU về dư lượng thuốc trừ sâu do tỷ lệ không tuân thủ được báo cáo trong thời gian qua. Với lý do tương tự, sản phẩm Thanh Long Việt Nam cũng chịu mức tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu từ 20 lên 30% kèm theo kết quả phân tích, lấy mẫu và chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp về dư lượng thuốc trừ sâu (Phụ lục II của Quy định). Sản phẩm quả đậu bắp (quả tươi, lạnh và lạnh đông) từ Việt Nam cũng nằm trong phụ lục II với tần suất kiểm tra tại cửa khẩu là 50% tổng số lô hàng về dư lượng thuốc trừ sâu, kèm theo các giấy tờ đề cập phía trên.

Trong khi sầu riêng và thanh long là những trái cây dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Ớt cũng là mặt hàng quan trọng nhất trong nhóm hàng rau củ xuất khẩu, chiếm 25,9% về giá trị, vượt xa so với các mặt hàng cùng nhóm như khoai lang, súp lơ … Việc liệt kê trong Phụ lục I đối với sầu riêng và Phụ lục II đối với thanh long, ớt, đậu bắp ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này. Những thay đổi về biện pháp kiểm tra chính thức sẽ được áp dụng từ ngày 2/7/2024. Và từ ngày 2/9/2024, tất cả các lô hàng hóa liệt kê trong phụ lục II như Thanh long, Đậu bắp và Ớt chi Capsicum (trừ ớt ngọt) từ Việt Nam phải kèm theo kết quả kiểm tra lấy mẫu, phân tích, đồng thời phải có giấy chứng nhận chính thức do cơ quan có thẩm quyền cấp về dư lượng thuốc trừ sâu.

Việc tăng cường kiểm tra tạo ra sự không chắc chắn về nguồn cung do sự chậm trễ và có thể bị từ chối của lô hàng. Việc này có thể làm giảm danh tiếng và vị thế cạnh tranh của các nhà xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Bên cạnh đó, nó làm tăng chi phí do việc tăng cường kiểm soát như chi phí lưu kho, kiểm tra, phân tích hoặc tiêu hủy lô hàng trong một nước thành viên EU.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp sản phẩm được liệt kê trong phụ lục II có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các cơ sở thử nghiệm thích hợp cũng như đáp ứng các yêu cầu chứng nhận bắt buộc cùng với đó chi phí cũng cao hơn. Trong thực tế, việc liệt kê các sản phẩm vào phụ lục II có thể dẫn đến việc tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm này từ một số nước trong EU do những quan ngại về chất lượng và an toàn của sản phẩm.

Để giúp tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền trong nước cần có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn những hành vi không tuân thủ từ các nhà xuất khẩu để tránh được việc tăng cường kiểm tra và các biện pháp quản lý khẩn cấp đối với các sản phẩm. Đồng thời cần xây dựng những chương trình nâng cao nhận thức cũng như phổ biến kiến thức cho các nhà sản xuất và nông dân ở vùng trồng.

– ThS. Khuất Thị Thủy 

Viện Công nghiệp thực phẩm – 

Viết tắt:

EU: European Union (Liên minh Châu Âu)

Tài liệu tham khảo  

  1. Commission Implementing Regulation (EU) 2024/1662
  2. Temporary Increased Official Controls on Foods from Certains Countries published by AGRINFO on 27 May 2024; Revised 18 Jun 2024
Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print