Vietnamese English

Lệnh cấm Bisphenol A (BPA) trong vật liệu tiếp xúc với thực phẩm tại EU

Ngày 12 tháng 6 năm 2024, các quốc gia thành viên EU đã đồng thuận với đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm cấm hầu hết các loại Bisphenol A (BPA) và các bisphenol khác trong vật liệu tiếp xúc với thực phẩm. Để đề xuất này chính thức trở thành luật của EU, Nghị viện và Hội đồng châu Âu cần phải phê duyệt thêm.

Quyết định này được đưa ra sau nhiều thập kỷ các cảnh báo khoa học về tác hại của một số loại bisphenol đối với sức khỏe. Biện pháp bảo vệ này là rất cần thiết. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), mức độ tiếp xúc của người dân với Bisphenol A hiện nay đã vượt quá mức an toàn. Trong khi đó, Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) ước tính rằng việc sử dụng hơn 30 loại bisphenol khác cần bị hạn chế vì tác động tiêu cực của chúng đối với sức khỏe.

Bisphenol là một hóa chất được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nhựa và chất dẻo. Trong đó, Bisphenol A là chất phổ biến và được nghiên cứu nhiều nhất, được biết đến là độc hại đối với sinh sản và gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Vì lý do này, BPA đã được đưa vào danh sách các hóa chất độc hại (danh sách REACH về các chất có mức độ quan ngại rất cao) và được dự báo sẽ bị loại bỏ tại châu Âu.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học tiếp tục chỉ ra mối nguy hại của các bisphenol khác, vốn được sử dụng để thay thế BPA. Mặc dù bằng chứng khoa học về tác hại của BPA đã tích lũy qua nhiều thập kỷ, động lực thúc đẩy việc hạn chế BPA chính là các kết luận khoa học cập nhật từ EFSA, trong đó xác nhận các tác hại đối với sức khỏe và đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ miễn dịch. EFSA đã hạ thấp mức độ an toàn khi tiếp xúc với BPA, giảm 20.000 lần so với mức độ được công nhận vào năm 2015 (từ 4 microgam/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày xuống 0,2 nanogam/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày).

Bisphenol A, cùng các bisphenol khác được phân loại là chất gây ung thư, đột biến, độc hại cho sinh sản (CMR 1a hoặc 1b), hoặc gây rối loạn nội tiết 1, theo Quy định EU về phân loại, dán nhãn và đóng gói hóa chất (Quy định 1272/2008). Các bisphenol này, ví dụ như Bisphenol S hoặc Bisphenol AF, sẽ bị cấm trong vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, ngoại trừ một số ứng dụng đặc biệt. Quy định này chủ yếu ảnh hưởng đến bao bì thực phẩm (như lớp phủ trên lon), nhựa dùng một lần, và các vật dụng tái sử dụng như chai nước, máy làm mát nước, và dụng cụ nhà bếp.

Quy định này dự kiến sẽ có thời gian chuyển tiếp là 18 tháng đối với các vật liệu tiếp xúc thực phẩm đơn lẻ, và 36 tháng đối với bao bì của cá đóng hộp, trái cây, rau quả, và bao bì bên ngoài của lon thực phẩm.

– TS. Vũ Đức Chiến

Viện Công nghiệp thực phẩm –

Theo

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print