Benikoji Coleste Help của Công ty Dược phẩm Kobayashi, một loại thực phẩm bổ sung có chứa thành phần benikoji (ảnh do công ty cung cấp)
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến ngày 27/5, 5 người đã tử vong sau khi dùng một trong 3 loại thực phẩm bổ sung Benikoji của Kobayashi bị thu hồi và 281 người khác phải nhập viện.
Hiệp hội Thận học Nhật Bản cho biết nhiều người bị bệnh sau khi uống thuốc bổ sung benikoji của của Kobayashi Pharmaceutical bị nghi ngờ mắc hội chứng Fanconi, do tổn thương ống thận gây ra. Tổn thương ống thận có thể làm suy giảm khả năng tái hấp thu các chất thiết yếu của thận, dẫn đến nồng độ các chất điện giải như kali, phốt pho, cũng như nồng độ axit uric trong máu thấp bất thường. Điều này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như mệt mỏi, sưng tấy, mất nước, chán ăn và đau bụng.
Ngày 28/5/2024, Bộ Y tế Nhật Bản và Viện Khoa học Y tế Quốc gia đã công bố kết quả sơ bộ phân tích mẫu nguyên liệu benikoji của các nhà máy Kobayashi ở các tỉnh Osaka và Wakayama. Kết quả cho thấy có nấm mốc xanh trong các mẫu này. Sau khi nuôi cấy, các nhà nghiên cứu đã xác nhận nấm mốc xanh này sản sinh axit puberulic, loại axit được phát hiện trong các sản phẩm gây ra các vấn đề về sức khỏe. Thêm vào đó, 2 hợp chất được tìm thấy trước đó trong các mẫu thành phần benikoji có liên quan đến các vấn đề sức khỏe có thể được tạo ra bởi hỗn hợp nấm mốc xanh và chất “monacolin K” do benikoji tạo ra.
Giới chức Bộ và Viện nghiên cứu nói trên cho biết nhiều khả năng nấm mốc xanh tại các nhà máy nói trên bị lẫn với sản phẩm và tạo ra axit puberulic cũng như các hợp chất khác.
Các thí nghiệm trên động vật cho thấy axit puberulic có thể gây hoại tử ống thận. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi cho chuột uống axit puberulic hoặc các chất bổ sung trên, ống thận của chúng sẽ bị hoại tử. Tuy nhiên, tác động lên chức năng thận khi dùng lặp lại axit puberulic ở nồng độ thấp vẫn chưa được nghiên cứu. Bên cạnh đó, hai chất khác được tìm thấy trong các nguyên liệu được sản xuất từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2023 khi nhiều người báo cáo có vấn đề về sức khỏe cùng với việc nấm mốc xanh xâm nhập vào hỗn hợp. Đến nay, Bộ Y tế Nhật Bản vẫn chưa thể kết luận axit puberulic đã gây tổn hại cho sức khỏe.
Ths. Khuất Thị Thủy – Viện Công nghiệp thực phẩm
Tổng hợp từ NHK World Japan và the ASAHI SHIMBUN
Tài liệu tham khảo
- https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20240528_40/
- https://www.asahi.com/ajw/articles/15284935
- https://www.asahi.com/ajw/articles/15231331
- https://www.nippon.com/en/japan-topics/g02393/