Vietnamese English

Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt Nam”

Ngày 30/8/2023, Viện Công nghiệp thực phẩm phối hợp Viện Mekong – Thái Lan tổ chức “Hội thảo Truy xuất Nguồn gốc để Đảm bảo An toàn Thực phẩm và Nâng cao Năng lực Cạnh tranh của Doanh nghiệp Nông sản Thực phẩm Việt Nam”

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh cùng Ban tổ chức và các diễn giả 

Hội thảo đã trình bày và thảo luận các khái niệm chung của truy xuất nguồn gốc (TXNG), Quản lý an toàn thực phẩm, quy định và phương thức Truy xuất nguồn gốc thực phẩm hàng hóa và lợi ích trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với doanh nghiệp. Chương trình thu hút hơn 50 Doanh nghiệp và Cơ quan quản lý tham gia, tạo môi trường thuận lợi để kết nối Doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các nhà khoa học trong lĩnh vực thực phẩm.

PGS. TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm đã đưa ra vai trò của an toàn thực phẩm trong đời sống hiện nay. Theo đó, đa số người tiêu dùng đều quan tâm đến các thông tin như: sản phẩm có chứa chất cấm hay không? nhà cung cấp có sử dụng hóc môn tăng trưởng hay không? Còn về phía sản xuất, cũng luôn quan tâm đến các thông tin căn bản như: nguyên liệu nhập có đúng như nguồn gốc cam kết hay không? Làm thế nào để người tiêu dùng an tâm và tin tưởng về sản phẩm? khi xảy ra sự cố làm sao để biết lỗi xuất phát từ khâu nào?
Hiện nay, khi Việt Nam đã chính thức tham gia vào thị trường quốc tế, chúng ta cần tuân thủ các quy tắc để phát triển bền vững, đảm bảo sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ các quy chuẩn của từng thị trường nước ngoài. Tất cả những vấn đề trên đều liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc – vấn đề khá mới tại Việt Nam”, PGS.TS Vũ Nguyên Thành nhấn mạnh.

Phát biểu trực tuyến tại Hội thảo, Bà Maria Theresa Medialdia, Giám đốc phòng Ban Phát triển và Thương mại hóa Nông nghiệp, Viện Mekong, chia sẻ vai trò quan trọng của truy xuất nguồn gốc trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế. Bà cho biết, các thị trường nhập khẩu hiện yêu cầu hệ thống theo dõi xuất xứ đối với các sản phẩm nhập khẩu và hệ thống truy xuất nguồn gốc hoạt động tốt. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp cải thiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm bằng cách cho phép các bên liên quan xác minh xem sản phẩm có đáp ứng các yêu cầu của thị trường và quy định hay không, đồng thời phản ứng nhanh chóng trong trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. Bà nhấn mạnh rằng khả năng truy xuất nguồn gốc đã nổi lên như một khái niệm cơ bản củng cố sự an toàn, chất lượng và tính minh bạch của toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm trong ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu hóa và phức tạp ngày nay.

 Bà Maria Theresa Medialdia, Giám đốc phòng Ban Phát triển và Thương mại hóa Nông nghiệp, Viện Mekong phát biểu trực tuyến tại hội thảo

Tại Hội thảo, Th.S Trịnh Như Hoa, Viện Công nghiệp thực phẩm đã trình bày khái niệm tổng quan về TXNG. Theo đó, TXNG không phải là hành động kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, mà TXNG có vai trò giúp cho việc đánh giá chính xác đường đi của một sản phẩm và giúp truy tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhanh, chính xác. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở TXNG mà không kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm thì TXNG là hoàn toàn vô nghĩa.

Bên cạnh đó, đại diện Viện Công nghiệp thực phẩm cũng nêu lên những hạn chế trong TXNG tại Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam, thông tin truy xuất chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; chưa có sự kiểm tra chéo và kết nối thông tin; cơ sở dữ liệu không có hệ thống thống nhất; cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu kiểm tra về ATTP, kiểm tra hệ thống TXNG của cơ sở và thông tin công bố công khai còn hạn chế; đặc biệt là thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn về TXNG.
Các đại biểu thảo luận và thực hành truy xuất nguồn gốc tại Hội thảo
Từ những hạn chế nêu trên, Viện Công nghiệp thực phẩm đã đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả TXNG thực phẩm tại Việt Nam. Trong đó, Cơ quan quản lý cần xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có sự kết nối, quy định vai trò của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cá nhân và người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và hài hoà với quy chuẩn quốc tế; Xây dựng các tiêu chuẩn/ quy định về TXNG và cách thức chia sẻ thông tin an toàn, hiệu quả.
Phía các doanh nghiệp, cần lựa chọn, xây dựng các mô hình TXNG thực phẩm có sự tương tác của các thành phần trong chuỗi sản xuất; tích cực chia sẻ, minh bạch hoá thông tin TXNG thực phẩm; chủ động đào tạo về kỹ thuật và nhân lực tham gia tích cực vào chuyển đổi số ứng dụng trong TXNG thực phẩm; liên tục cập nhập các quy định pháp luật cho từng loại hàng hoá xuất khẩu ra các thị trường khác nhau trên thế giới.
Riêng đối với người tiêu dùng, cần tích cực tham gia chuyển đổi số, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm và TXNG thực phẩm. Mỗi người tiêu dùng hãy là những người mua hàng thông thái, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có tem mác và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT trình bày tổng quan về quy định quốc tế và Việt Nam về truy xuất, triệu hồi, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TXNG. Đồng thời phổ biến những yêu cầu chung đối với TXNG của Việt Nam.
Tại Việt Nam, để đáp ứng các yêu cầu về TXNG các cơ sở phải thiết lập hệ thống TXNG theo quy tắc truy xuất một bước trước – một bước sau. Khi có yêu cầu thực hiện TXNG thực phẩm, cơ sở phải cung cấp thông tin đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp lô hàng nhận và cơ sở tiếp nhận lô hàng giao; Thực phẩm sau mỗi công đoạn phải được mã hóa, nhận diện bằng một phương thức thích hợp để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, lưu ý thời gian lưu trữ thông tin TXNG: 06 tháng đối với thực phẩm nông lâm thủy sản tươi sống, 02 năm đối với thực phẩm nông lâm thủy sản đông lạnh, chế biến; Cơ sở kinh doanh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng không bắt buộc lưu giữ thông tin về khách hàng mua.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã có cơ hội thực hành TXNG trên Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hoá quốc gia. Nhiều câu hỏi liên quan đến công cụ và giải pháp công nghệ trong truy xuất nguồn gốc đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế giải đáp.
Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm TS. Nguyễn Mạnh Đạt trao chứng chỉ  cho các học viên 
Hội thảo đào tạo là một trong những hoạt động tiếp cận các bên liên quan của Dự án An toàn Thực phẩm của Viện Mekong: Thúc đẩy Thực phẩm An toàn cho Mọi người hay gọi tắt là PROSAFE. Dự án kéo dài 5 năm này do Quỹ Viện trợ Chính phủ New Zealand tài trợ nhằm cải thiện hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm quốc gia và văn hóa an toàn thực phẩm ở Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam.
Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Share on print