Hình ảnh chỉ mang tính minh họa (Ảnh: Brand Vietnam)
Ngày 27,28/8/2021, một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam và Trung Quốc bị thu hồi ở châu Âu vì chứa chất ethylene oxide với hàm lượng vượt mức cho phép theo quy định châu Âu.
Trước đó từ tháng 9/2020, hàng ngàn sản phẩm thực phẩm bị thu hồi do nhiễm hóa chất gây ung thư bị cấm ở châu Âu ethylene oxide (EO). Trong đó, số lượng lô hàng bị thu hồi nhiều nhất ở Pháp với gần 7.000 lô kể từ mùa thu 2020. Các mặt hàng bị thu hồi gồm hạt vừng, kem, hạt tiêu, gừng, củ hẹ, cà phê, bánh mì, bánh quy, thức ăn chế biến sẵn. Ủy ban châu Âu đã họp và ra nghị quyết ngày 16/7/2021 yêu cầu tất cả các nước thành viên cam kết đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân châu Âu, thực hiện thu hồi hàng loạt các sản phẩm nhiễm tạp EO, bao gồm cả những sản phẩm chứa chất phụ gia locus bean gum (E410)- chất làm đặc thường được sử dụng trong làm kem.
Vậy ethylene oxide là hợp chất gì ?
Theo Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) và Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA), ethylene oxide (EO) (công thức phân tử: CH2(O)CH2) là một chất khí bay hơi không màu, dễ cháy có khả năng hòa tan trong nước cao. EO có nhiệt độ nóng chảy 10,70C và áp suất hơi ̴146 kPa ở 200C và là một phân tử hoạt động mạnh. EO được xác định bằng phương pháp sắc ký khí.
Hình 1. Cấu trúc hóa học của ethylene oxide
Ethylene oxide được sử dụng để khử trùng thiết bị y tế. EO bị cấm sử dụng trong thuốc bảo vệ thực vật ở châu Âu từ năm 1979 và được xếp loại là độc với con người, có thể gây đột biến và ung thư, nguy hiểm với nguồn nước. Do đó, thực phẩm có dư lượng EO được xem là không an toàn với sức khỏe con người. Dẫn xuất của EO là 2- chloroethanol (hay còn được gọi là ethylene chlorohydrine) cũng được xếp là độc hại. Liều gây chết đối với hóa chất này là 71mg/kg cân nặng. Nó có thể bị hấp thụ qua da, gây khó chịu cho mắt và đường hô hấp, nó còn tác động đến hệ thần kinh trung ương và phá hủy gan, thận.
Dư lượng tối đa của ethylene oxide the quy định của châu Âu EC số 396/2005 (tổng của ethylene oxide và 2- chloroethanol) là 0,05mg/kg. Tại Mỹ và Canada, dư lượng tối đa cho phép của hóa chất này trong thực phẩm là 7mg/kg. Từ năm 2003, việc sử dụng EO để xử lý thực phẩm ở Úc đã bị loại bỏ và được thay thế bằng các giải pháp công nghệ an toàn hơn như chiếu xạ thực phẩm hoặc xử lý bằng hơi nước… Việc sử dụng EO trên thực phẩm đang dần bị loại bỏ trên toàn thế giới do những lo ngại về sức khỏe liên quan đến dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, ở nhiều nước trong đó có Việt Nam chưa có quy định về việc cho phép/cấm sử dụng ethylene oxide trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm (theo Bộ Công Thương Việt Nam).
Người ta cho rằng hạt vừng từ Ấn Độ được xử lý với khí ethylene oxide để loại bỏ Salmonellae và hóa chất này sẽ không được loại bỏ với các sản phẩm tiếp theo như sản phẩm khô hay gia vị. Hoặc là một số sản phẩm khô và gia vị từ các nước thế giới thứ 3 cũng được xử lý theo cách này (cách mà không thế chấp nhận được với các nước trong liên minh châu Âu).
Do đó, rất cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam quy định về việc cấm sử dụng ethylene oxide trong nông nghiệp, sản xuất thực phẩm cũng như quy định dư lượng tối đa cho phép của chất này trong thực phẩm để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam. Các công ty sản xuất thực phẩm Việt Nam cũng cần lưu ý vấn đề này khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường thế giới.
– Khuất Thị Thủy, Vũ Đức Chiến-
Tài liệu tham khảo:
Aoel_Info_EO_2-Chlorethanol_en_endg_V23112020.pdf
https://www.foodstandards.gov.au/consumer/chemicals/Pages/Ethylene-oxide.aspx
https://inchem.org/documents/cicads/cicads/cicad54.htm
https://www.fsai.ie/news_centre/food_alerts/instant_noodles_ethylene_oxide_recall.html
Karen Gram Jensen (1988). Determination of ethylene oxide residues in processed food products by gas-liquid chromatography after derivatization. , 187(6), 535–540. doi:10.1007/bf01042385